Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời nhiều vấn đề liên quan đến ngành Điện trước Quốc hội

Tại phiên thảo luận toàn thể kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sáng ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời trước Quốc hội nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, trong đó có những vấn đề liên quan đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của đại biểu tỉnh Thanh Hóa, Cao Bằng, Tuyên Quang về phát triển năng lượng cũng như đảm bảo môi trường các dự án nhiệt điện, thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Đây là một lĩnh vực rất được ưu tiên của ngành Công Thương. Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2020 và 2025 các nguồn nhiệt điện (trong đó có nhiệt điện than) và thủy điện vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng để đảm bảo cân đối cung cầu cho phát triển của đất nước cả về kinh tế, xã hội và tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm 

Vì vậy, mục tiêu, định hướng của Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đều đã khẳng định việc tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng theo cơ cấu cân đối hài hòa, đặc biệt hướng tới những nguồn năng lượng xanh, sạch. Ngoài ra, cũng hướng tới tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, thông qua đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm bớt các công nghệ tiêu hao điện, không thân thiện với môi trường, cũng như tạo điều kiện để có một môi trường công bằng, minh bạch, công khai trong thị trường điện.

Về công nghệ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định phần lớn các dự án điện đều sử dụng công nghệ tiên tiến của các nước G7. Một số hạn chế liên quan đến bảo vệ môi trường thời gian qua là do các tổng thầu, nhà thầu chưa thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường liên quan.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, ngành Điện cần phải quan tâm hơn nữa đến tiết kiệm điện, giảm tiêu hao điện, tiếp tục đổi mới các công nghệ sử dụng điện. Đây cũng là nội dung cơ bản trong tái cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu các ngành công nghiệp, nhất là các ngành kinh tế sử dụng điện năng cao.