Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Cần tập trung nguồn lực khôi phục lưới điện sau bão

Trao đổi với evn.com.vn chiều 28/10, sau khi bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tập trung nguồn lực để nhanh chóng khắc phục sự cố, tái cấp điện nhanh nhất sau bão.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời báo chí chiều 28/10

PV: Xin Bộ trưởng cho biết tình hình thiệt hại do bão số 9 tại các địa phương, tính đến thời điểm này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Cho đến 16h30 ngày 28/10, bão số 9 đã tác động kéo dài từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, trong đó trọng điểm là Tp. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và một phần Bắc Bình Định.

Đây là cơn bão lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Cũng chưa có một cơn bão nào mà thời gian lưu gió mạnh suốt 7 giờ đồng hồ với tốc độ cấp 10, giật cấp 11-12 như vậy. Điều đó cho thấy sức tàn phá của cơn bão này rất lớn.

Bên cạnh đó, đã có mưa lớn kéo dài từ tối 27/10, có những điểm đo lên đến 200mm, trong đó Quảng Ngãi có mưa lớn diện rộng. 

Chúng ta có 2 ngày khẩn trương ứng phó, tổ chức di dời dân ở 6 tỉnh trọng điểm với hơn 400.000 người, đưa tàu thuyền của ngư dân vào nơi tránh trú an toàn, củng cố các thiết chế hạ tầng quan trọng phục vụ chỉ đạo điều hành như điện, đường, viễn thông,…

Đến thời điểm này, thống kê ban đầu chưa ghi nhận có thương vong về người. Sơ bộ có hàng chục vạn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Nhiều thiết chế hạ tầng kinh tế như lưới điện, điện mặt trời và nhiều công trình khác bị thiệt hại.

Ngay sau đây, các địa phương sẽ tổ chức rà soát, đánh giá về mức độ thiệt hại do bão. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, với ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương và sự tuân thủ chỉ đạo của người dân, chúng ta đã giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất, trong đó con người là vốn quý nhất.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết những công tác cấp bách, chỉ đạo ưu tiên trong thời điểm này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Hoàn lưu bão vẫn đang gây gió rất mạnh. Việc cần duy trì chỉ đạo là tiếp tục các giải pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Lũ các sông đang lên nhanh, trong đó sông Vệ (Quảng Ngãi) đang ở mức báo động 3, những giờ tới tiếp tục lên cao. Cần tập trung di dời, di chuyển người dân ở vùng hạ du các lưu vực sông, vùng trũng từ chiều nay và trong đêm, để đảm bảo an toàn.

Đối với khu vực Tây Nguyên, tiếp tục còn mưa to, gió lớn, cần nêu cao cảnh giác theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo vận hành an toàn các công trình thủy điện. 

Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT & TKCN của các địa phương phối hợp với các chủ hồ, tập trung công tác điều hành hồ chứa khoa học, chặt chẽ, hiệu quả, giúp cắt/giảm lũ cho hạ du. Tại khu vực Bắc Trung Bộ, các hồ thủy điện, thủy lợi đã đầy nước và bị tổn thương qua 3 đợt lũ vừa qua. Ở Nam Trung Bộ, các hệ thống sông cũng đã đầy nước. Hoàn lưu bão số 9 sẽ còn gây mưa trong 1-2 ngày tới. Bởi vậy, tuyệt đối không được chủ quan.

PV: Bộ trưởng có chỉ đạo gì với các địa phương để phối hợp với ngành Điện, nếu bão và hoàn lưu bão gây thiệt hại nặng cho lưới điện?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Do ảnh hưởng bão số 9, có 2 phạm vi mất điện. Thứ nhất, do mưa bão tác động nên gây sự cố mất điện. Thứ hai, Điện lực chủ động cắt điện để đảm bảo an toàn cho người dân và thiết bị.

Những khu vực nào chủ động cắt điện, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu EVN ngay sau bão sẽ khôi phục, đóng điện trở lại cho nhân dân nếu thấy đảm bảo an toàn.

Đối với khu vực có sự cố, Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị điện lực chặt, dọn, tỉa cây/vật cản vào lưới điện, để khôi phục lưới điện nhanh nhất phục vụ sản xuất, sinh hoạt cũng như công tác cứu hộ, cứu trợ.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng.


  • 28/10/2020 07:00
  • Ngân Hà
  • 2294