Hoàn thành xây dựng 11/11 Quy trình vận hành liên hồ chứa
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đến nay, Bộ TN&MT đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông lớn gồm: sông Hồng, Mã, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San Srêpốk và Đồng Nai với 135 hồ chứa thủy điện, thủy lợi tham gia điều tiết, vận hành. Đây là cơ sở pháp lý để quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn nguồn nước phục vụ đa mục tiêu.
Cụ thể, về mùa cạn, tất cả các quy trình vận hành đều phải đảm bảo điều tiết cho hạ du trong mùa cạn (từ 7-9 tháng). Toàn bộ nhu cầu sử dụng nước đối với diện tích đất ở hạ du nằm trong vùng điều tiết của các hồ đều được tính toán và đảm bảo trong điều kiện hạn hán.
Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận trên lưu vực sông Đồng Nai
|
Về mùa lũ, trong 11 quy trình vận hành liên hồ chứa, chỉ có quy trình vận hành trên lưu vực sông Hồng là có nhiệm vụ cắt, chống lũ cho đồng bằng Bắc Bộ; đối với 10 lưu vực sông còn lại, quy trình liên hồ chỉ yêu cầu các hồ tham gia giảm lũ do dung tích nhỏ.
“Hiệu quả đã được kiểm chứng qua mùa cạn các năm 2015-2016, 2019-2020 mặc dù lưu lượng đến các hồ chứa là rất nhỏ, nhưng các hồ chứa vẫn duy trì được mực nước tối thiểu hoặc nâng dần lên để có thể đủ nguồn nước cân đối cho mùa cạn. Đối với các hồ chứa đang có thiếu hụt nguồn nước lớn trên lưu vực sông Mã, sông Hương, Vu Gia-Thu Bồn, Ba, Sê San, Đồng Nai,… Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều tiết nước để các chủ hồ điều chỉnh lưu lượng xả xuống hạ du cho phù hợp”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa còn một số khó khăn, tồn tại như: Công tác dự báo dòng chảy đến hồ của các chủ hồ còn thiếu chính xác; năng lực chỉ đạo điều hành vận hành quy trình một số địa phương còn hạn chế, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và các chủ hồ,… Những bất cập kể trên đã làm giảm hiệu quả công tác vận hành điều tiết nước cắt giảm lũ cho hạ du.
Thượng lưu thủy điện Tuyên Quang trên lưu vực sông Hồng
|
Sẽ rà soát sửa đổi Quy trình cho phù hợp, sát với thực tế
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Quy trình vận hành liên hồ chứa chỉ giải quyết được vấn đề thiếu nước, hạn hán ở hạ du các hồ chứa, tức là trong một phạm vi nhất định của mỗi lưu vực. Tình trạng hạn hán ở trên các lưu vực sông xảy ra chủ yếu ở các nhánh phụ lưu không phụ thuộc sự ảnh hưởng, điều tiết của các hồ. Chính vì thế việc xả nước theo quy trình không thể giải quyết hạn cho toàn bộ lưu vực.
Quy trình chỉ có thể giải quyết vấn đề cắt, giảm lũ ở khu vực hạ du chịu ảnh hưởng bởi sự điều tiết của các hồ. Tình trạng lũ lụt xảy trong thời gian qua không chỉ xảy ra ở hạ lưu các hồ chứa, mà còn xảy ra ở hạ lưu lưu vực sông không nằm trong phạm vi ảnh hưởng điều tiết cắt, giảm lũ của các hồ chứa trong quy trình.
Để khắc phục những tồn tại trên, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương rà soát, đánh giá lại các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa để rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế nguồn nước, khai thác, sử dụng cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ rệt lên tài nguyên nước như hiện nay.