Brazil muốn khởi động lại chính sách “giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày”

Các nhà chức trách Brazil đang cân nhắc khôi phục chính sách “giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày” để giải quyết tình trạng thiếu điện do hạn hán.

Tháng 9 năm nay, nhiều cơ quan năng lượng Brazil đã chấp thuận khôi phục chính sách “giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày” (Daylight Saving Time – DTS). Cụ thể, khung giờ tiêu chuẩn tại Brazil sẽ được điều chỉnh sớm hơn một tiếng từ tháng 11 đến tháng 2 hàng năm nhằm tận dụng nhiều thời gian ban ngày hơn, giúp giảm áp lực lên lưới điện vào giờ cao điểm buổi chiều tối. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn cần sự phê duyệt của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva trước khi chính thức được ban hành.

Mực nước thấp tại đập thủy điện Furnas tại Sao Jose da Barra, bang Minas Gerais, Brazil. Ảnh: Reuters

Brazil đang trải qua một đợt hạn hán kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng của các nhà máy thủy điện lớn trên sông Amazon, buộc nước này phải nhập khẩu thêm năng lượng và tăng giá điện của người dân.

Mặc dù Brazil đã có bước phát triển đáng kể trong việc sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời, nhưng hơn một nửa sản lượng điện của quốc gia này vẫn phụ thuộc vào việc khai thác năng lượng từ các sông và hồ chứa nước. Dự kiến, mực nước tại các hồ chứa gần các nhà máy thủy điện lớn ở khu vực Đông Nam và Trung Tây Brazil sẽ giảm 50% vào cuối tháng 9 do lưu lượng mưa giảm một nửa so với mức thông thường.

Vào năm 2019, cựu Tổng thống Jair Bolsonaro đã hủy bỏ chính sách “giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày” vì cho rằng nó không còn hiệu quả trong việc tiết kiệm điện. Tuy nhiên, năm nay, Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Brazil, Alexandre Silveira, cho biết nhà điều hành lưới điện quốc gia ONS cùng với ủy ban năng lượng đại diện cho các bên liên quan đã đề xuất khôi phục lại chính sách này.

Nhiều ngành công nghiệp đã lên tiếng ủng hộ việc khởi động lại “giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày”. Theo ước tính của hiệp hội Abrasel, có thêm 1 giờ ban ngày sẽ giúp các quán bar và nhà hàng đông khách hơn trong khoảng từ 6-8 giờ tối và tăng doanh thu hàng tháng ít nhất 10%.

Tuy nhiên, chính sách này cũng có thể tạo ra một số khó khăn cho ngành hàng không, do lịch trình bay bị xáo trộn và phát sinh thêm chi phí để sắp xếp lại phi hành đoàn.

Hiện các nhà chức trách Brazil vẫn đang trong quá trình đánh giá và cân nhắc kỹ lưỡng.


  • 25/09/2024 10:00
  • Nguyệt Hà (Theo Reuters)
  • 1852