Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam:
Tin vui đối với người tiêu dùng cả nước
Thay vì phải trực tiếp đến các địa điểm giao dịch của Điện lực, từ nay khách hàng chỉ cần giao dịch qua điện thoại thông tin, máy vi tính hay máy tính bảng với hình thức trực tuyến. Điều này không chỉ thuận lợi, mà còn tiết kiệm thời gian đi lại cho hàng chục triệu người tiêu dùng.
Có thể nói, việc áp dụng hợp đồng điện tử đã đánh dấu một bước tiến mới của EVN trong việc cung cấp dịch vụ điện – một mặt hàng đặc biệt có ý nghĩa “quốc kế, dân sinh". Qua đó, từng bước hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, hiện đại hóa các dịch vụ công, đẩy mạnh việc xây dựng nền kinh tế số.
Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào tất cả các khâu, từ sản xuất đến cung ứng và nay là hợp đồng điện tử, đã thể hiện sự thay đổi mang tính cách mạng của EVN từ tư duy “cung cấp” sang “dịch vụ”, thể hiện hình ành một tập đoàn kinh tế nhà nước hướng tới sự chuyên nghiệp, thân thiện và hiện đại.
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:
Cải cách của EVN là tiên phong và điển hình
Có thể nói, việc ứng dụng CNTT là một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta cần thực hiện các cải cách, đẩy mạnh ứng dụng CNTT để tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Với EVN, những đổi mới đã liên tiếp diễn ra trong một quá trình dài. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, những thay đổi của EVN đã tạo ra sự đột phá trong khâu cung cấp dịch vụ trực tuyến. Tới nay, những thủ tục điện không còn thực hiện theo hình thức thủ công mà hoàn toàn thực hiện trên mạng Internet, theo hình thức giao dịch điện tử.
Đặc biệt, giao diện trên các website CSKH ngành Điện khá thân thiện với người sử dụng. Đồng thời, những yêu cầu hồ sơ, thủ tục khá đơn giản, rõ ràng. Người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể theo dõi cả quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ điện, quá trình sử dụng điện hàng tháng, cũng như các vấn đề liên qua dịch vụ điện. Nhờ những thuận lợi đó, người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại.
Từ trải nghiệm tiện lợi của dịch vụ điện, người dân cũng sẽ mong muốn sử dụng các dịch vụ khác với hình thức giao dịch điện tử. Với nhu cầu của người dân, với áp lực phải cải cách, và với kinh nghiệm từ thành công của ngành Điện, tôi tin rằng, các ngành khác, các cơ quan khác cũng sẽ thay đổi. Đây là hiệu ứng lan tỏa từ điển hình tiên phong cải cách của ngành Điện.
Ông Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương:
Tôi đánh giá cao sự thay đổi của EVN
EVN là một trong số rất ít các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, đã số hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Qua đó, tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là chi phí phát sinh đối với khách hàng; nâng cao được hiệu quả trong việc cung cấp điện, sử dụng điện cũng như phục vụ nền kinh tế.
Một thành tích ấn tượng nữa của EVN, đó là chỉ số tiếp cận điện năng - một trong 10 chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã tăng từ vị trí 156 lên 27 (tăng 129 bậc), trong tổng số 190 quốc gia/nền kinh tế. Vị trí này không phải do chúng ta đánh giá, mà được quốc tế đánh giá, cụ thể là Ngân hàng thế giới. Đây là một bước tiến thần kì.
Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế số và EVN đã và đang đứng top đầu trong nước về thực hiện chuyển đổi số và tiếp đến sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh. Tôi rất muốn và khích lệ các doanh nghiệp nhà nước thực hiện được điều này.
Để có được kết quả này, tôi đánh giá cao sự thay đổi về tư duy của EVN: “Lấy khách hàng làm trung tâm”, nỗ lực để cung cấp chất lượng điện năng tốt nhất, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Đây là những bước tiến rất lớn, bởi chỉ khi thay đổi tư duy thì chúng ta mới có thể hành động hiệu quả.
Các bước thực hiện hợp đồng điện tử giữa khách hàng sử dụng điện và EVN
|
N.Hương - Thùy Lê
Share