Các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Hà Nội chủ động giải pháp đảm bảo 'mục tiêu kép' trong thời gian giãn cách

Từ 6h ngày 24/7/2021, Thủ đô Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19. Trước yêu cầu này, các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trụ sở tại Hà Nội đã xây dựng các phương án để đảm bảo mục tiêu kép: không gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Cập nhật của evn.com.vn trong sáng 26/7.

* Tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Bắc (A1), tiếp tục duy trì cách ly tại nơi làm việc đối với lực lượng trực vận hành (đã thực hiện từ đầu tháng 5/2021 đến nay). EVNNLDC đã tổ chức xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 cho CBNV trước mỗi đợt tập trung. Các bộ phận khác được chuyển sang làm việc gián tiếp, online tại nhà và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu.

Các phương án phòng, chống dịch COVID-19 (kể cả phòng điều khiển dự phòng) cũng đã "tái kích hoạt" từ tháng 5/2021. Trong thời gian này, ca trực vận hành sẽ kéo dài 12 tiếng, thay vì 8 tiếng trong điều kiện bình thường.

* Tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Tổng giám đốc EVNNPT yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan EVNNPT, Giám đốc các đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm quán triệt và nghiêm túc thực hiện các nội dung Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong toàn đơn vị; đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, liên tục hệ thống truyền tải điện quốc gia và các hoạt động công tác khác của EVNNPT, đồng thời triển khai thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả.

Đối với CBCNV trực tiếp sản xuất, tiếp tục thực hiện phương án để CBNV vận hành, sửa chữa nghỉ tập trung sau ca làm việc. CBNV kíp trực mới phải thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2 trước mỗi đợt trực tập trung. Những CBNV trong diện này phải nghiêm túc thực hiện việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi trao đổi; không ra ngoài khu vực cách ly, nơi làm việc; tự theo dõi sức khỏe và nhiệt độ hàng ngày.

Đối với các bộ phận khác, CBNV làm việc từ xa tại nhà, giữ liên lạc thông suốt và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu. Tất cả các cuộc họp tổ chức theo hình thức trực tuyến, tăng cường làm việc thông qua các ứng dụng từ xa.

Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội đã chủ động các phương án đảm bảo điện an toàn, thông suốt trong thời gian thành phố thực hiện giãn cach xã hội - Ảnh: ĐVCC

* Đối với Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, Tổng công ty đã thành lập 8 cụm Công ty Điện lực để phối hợp trong công tác quản lý vận hành, đảm bảo điện phòng chống dịch. Các đơn vị trong cùng một cụm sẽ hỗ trợ nhau trong công tác quản lý vận hành, dự phòng nhân lực để sẵn sàng ứng phó tình huống phải cách ly người nhiễm và nghi nhiễm COVID-19. EVNHANOI đã triển khai ăn, nghỉ tập trung tại nơi làm việc để đảm bảo duy trì vận hành như đối với Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP Hà Nội, Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội, Công ty Công nghệ thông tin Điện lực Hà Nội.

Riêng Trung tâm Điều độ Hệ thống điện TP Hà Nội đã kích hoạt 2 khối trung tâm điều hành: khối 1 điều hành trực tiếp lưới điện, trực ca chế độ 12 giờ, ở nội trú tại trung tâm trong 72 giờ và không được ra ngoài trong thời gian trực nội trú; khối 2 làm việc từ xa và hỗ trợ cho khối 1 hoàn thành nhiệm vụ. Trong mọi trường hợp, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện TP Hà Nội luôn đảm bảo công tác chỉ huy cung ứng điện cho Thủ đô.

Đặc biệt, ngay khi Thành phố có kế hoạch trưng dụng 10 dự án nhà tái định cư để sử dụng làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến với dự kiến tổng số 20.000 – 30.000 giường, EVNHANOI đã chỉ đạo các công ty điện lực thành viên lập phương án vận hành, chuẩn bị đầy đủ vật tư và thiết bị, bố trí máy phát điện Diesel dự phòng.

* Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) có Cơ quan Tổng công ty và 11 đơn vị thành viên đóng chân trên địa bàn TP. Hà Nội cũng đã khẩn trương, chủ động thực hiện Chỉ thị số 17 của UBND TP. Hà Nội. Cụ thể, EVNNPC yêu cầu thủ trưởng đơn vị bố trí, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc từ xa; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết do người đứng đầu đơn vị quyết định thì mới đến trụ sở cơ quan làm việc. Tất cả các cuộc họp của Tổng công ty và các đơn vị trong thời gian này sẽ tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tại Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực miền Bắc – đơn vị tiếp nhận và giải đáp yêu cầu của khách hàng trên 27 tỉnh/thành phố miền Bắc, 100% điện thoại viên đã được bố trí làm việc online. Trung tâm đã thuê thêm máy tính phục vụ cho các điện thoại viên làm việc online. Với việc cài đặt đầy đủ các phần mềm, các tính năng bảo mật, Trung tâm vẫn đảm bảo 100% quân số điện thoại viên trong các ca trực, vừa đảm bảo không gián đoạn việc tiếp nhận và xử lý yêu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo an toàn cho CBNV trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

* Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) đặc biệt chú trọng bảo vệ đội ngũ trực vận hành hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông dùng riêng (VTDR). Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 trở lại đây, EVNICT duy trì hiệu quả việc tổ chức các kíp trực, làm việc, nghỉ tập trung ngay tại cơ quan với số lượng 8 CBNV/kíp.

“Từ ngày 26/7, đối với kíp trực tại trụ sở Tập đoàn, công ty tăng cường lên 14 người/kíp thực hiện nhiệm vụ điều hành toàn quốc hệ thống VTDR, vận hành hệ thống viễn thông CNTT, quản trị CNTT, quản trị cơ sở dữ liệu. Các lực lượng này được bố trí nơi ở cách ly riêng biệt, đảm bảo sức khoẻ, điều kiện sinh hoạt; trực liên tục trong 7 ngày sẽ đổi kíp trực một lần” – ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc EVNICT cho biết.

Công ty cũng chú trọng hỗ trợ CBNV EVN trong quá trình sử dụng các phần mềm dùng chung của Tập đoàn để làm việc từ xa. Hầu hết các ứng dụng CNTT dùng chung phổ biến của EVN hiện đã cho phép thực hiện trên môi trường Internet và thực hiện trên nhiều nền tảng thiết bị khác nhau như: web, app (mobile, tablet).

Các ứng dụng, tính năng đều đòi hỏi độ bảo mật cao, do đó EVNICT đã tổ chức nâng cấp hệ thống VPN cho phép mở rộng băng thông kết nối để thực hiện làm việc từ xa nhưng vẫn đảm bảo về an ninh bảo mật hệ thống.

Đối với công tác vận hành, đảm bảo các hệ thống, EVNICT tổ chức đội ngũ trực vận hành hệ thống trực tiếp 24/7 tại các trung tâm điều hành VTDR&CNTT, qua đó đảm bảo ổn định, an toàn, sẵn sàng cho nhu cầu làm việc từ xa tăng cao của CBNV EVN trong mọi tình huống.

* Đối với Ban QLDA Điện 1, các phòng, ban điều hành, đơn vị tư vấn giám sát, CBNV làm nhiệm vụ tại các dự án như Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình mở rộng, Trung tâm Điện lực Dung Quất, Dự án đập thủy lợi Tân Mỹ, Dự án Cơ sở hạ tầng Quảng Trạch giữ nguyên vị trí làm việc, không di chuyển về Hà Nội. Trường hợp cần thiết phải trở về Hà Nội, cán bộ kỹ sư xin ý kiến lãnh đạo Ban; thực hiện khai báo y tế, xét nghiệm COVID-19 và thực hiện đầy đủ các yêu cầu của cơ quan y tế địa phương.

Tại trụ sở Ban tại Hà Nội, lãnh đạo Ban, trưởng, phó các phòng chuyên môn làm việc theo phân công khi có yêu cầu và theo nguyên tắc luân phiên. Cán bộ kỹ sư được giao thực hiện các công việc cấp bách để đảm bảo tiến độ như các công tác liên quan đến hồ sơ trình duyệt của dự án, hồ sơ về dự toán, đấu thầu…; cán bộ phụ trách CNTT được đến cơ quan làm việc.

Ban QLDA Điện 1 cũng đảm bảo kết nối hội nghị truyền hình, phòng họp trực tuyến để các công việc không bị gián đoạn trong thời gian này.


  • 26/07/2021 10:41
  • Nhóm PV (tổng hợp)
  • 9649