Các hồ thủy điện EVN xả 3,62 tỷ m3 nước để sản xuất vụ Đông Xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ

Tính cả 2 đợt lấy nước đổ ải vừa qua, các hồ thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vận hành tối đa công suất phát điện để cấp nước cho hạ du. Kết thúc ngày cuối cùng của đợt 2 (ngày 8/2/2023), tổng lượng nước xả là 3,62 tỷ m3, phục vụ đắc lực cho các địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ chuẩn bị gieo cấy vụ Đông Xuân năm 2022-2023.

Nguồn nước đảm bảo phục vụ đổ ải

Ông Lương Văn Anh – Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Trong thời gian cấp nước đổ ải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vận hành tối đa Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang trước từ 2-3 ngày để bổ sung nước cho hạ du. Mực nước tại Trạm thủy văn Hà Nội bình quân mực nước trong đợt 1 là 1,56m, cao nhất đạt 1,92m; đợt 2 đạt 1,61m, cao nhất đạt 2,08m. Riêng trong thời gian lấy nước của đợt 2, khu vực Bắc Bộ đã có mưa nhỏ, mưa phùn, dù lượng mưa không lớn nhưng đã hỗ trợ việc lấy nước hiệu quả hơn.

Cả hai đợt lấy nước, các nhà máy thủy điện của EVN đã xả 3,62 tỷ m3. Trong ảnh: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình xả nước qua phát điện phục vụ đổ ải

Theo đánh giá của Cục Thủy lợi, các công trình thủy lợi vùng ảnh hưởng triều cường (Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình) đủ điều kiện vận hành hiệu quả. Các công trình thủy lợi thuộc vùng không ảnh hưởng triều (các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội) có các trạm bơm đã được nâng cấp, hạ thấp cao trình đặt máy và các trạm bơm dã chiến đều đủ điều kiện hoạt động tốt. Còn các trạm bơm chưa được nâng cấp không đủ điều kiện lấy nước là thực tế đã diễn ra nhiều năm.

Tính đến hết đợt 2, tổng diện tích đã lấy được nước là 476.297 ha/498.359 ha, đạt 95,6% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Các tỉnh chưa hoàn thành lấy nước gồm Vĩnh Phúc (đạt 95%), Bắc Ninh (95%), Hải Dương (94%), Hà Nội (81%). Trong đó, diện tích phụ thuộc vào dòng chảy sông Hồng tổng cộng khoảng 3.622 ha, thuộc các huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ (TP Hà Nội). Các diện tích chưa lấy đủ nước sẽ tiếp tục được địa phương cấp nước bằng trạm bơm dã chiến.

Phối hợp nhuần nhuyễn, điều hành quyết liệt

Theo đánh giá của Cục Thủy lợi, nhìn chung, công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành các đợt lấy nước được thực hiện sâu sát, quyết liệt góp phần đẩy nhanh tiến độ lấy nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức vận hành tối đa công suất phát điện để nâng mực nước cao nhất cho hạ du, đồng thời bảo đảm cung cấp đủ điện cho các trạm bơm hoạt động. Thông tin điều hành xả nước của tập đoàn được gửi hàng ngày đến Tổng cục Thủy lợi (nay là Cục Thủy lợi) và các cơ quan liên quan để phối hợp thực hiện.

Viện Quy hoạch Thủy lợi đã tổ chức theo dõi, dự báo mực nước tại các cửa lấy nước, làm cơ sở cho chỉ đạo, điều hành công tác lấy nước. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tổ chức dự báo thời tiết, mực nước sông Hồng tại Hà Nội và Sơn Tây tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành xả nước, lấy nước.

Các cơ quan báo chí, truyền thông đã tổ chức tuyên truyền tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình nguồn nước, lịch lấy nước và các khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ lấy nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Nguồn nước thuận lợi tạo điều kiện cho nhiều địa phương sớm hoàn thành đổ ải

Để bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh, vừa bảo đảm tiết kiệm nước để phát điện trong điều kiện nguồn nước ngày càng khó khăn, Cục Thủy lợi đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, tổng kết công tác lấy nước vụ Đông Xuân 2022-2023, rút kinh nghiệm để triển khai công tác lấy nước tiết kiệm, hiệu quả hơn trong các năm tới.

Sở NN&PTNT Thành phố Hà Nội đánh giá khả năng lấy nước của các hệ thống thủy lợi trong vụ Đông Xuân 2022-2023; báo cáo UBND Thành phố Hà Nội và Bộ NN&PTNT nhu cầu lấy nước sau khi kết thúc đợt 2; báo cáo UBND Thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng khẩn cấp các trạm bơm dã chiến Trung Hà, Liên Mạc; đồng thời có kế hoạch đầu tư xây dựng trạm bơm Trung Hà thay thế trạm bơm hiện tại, bảo đảm chủ động vận hành lấy nước, không phụ thuộc dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.

Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện đầu tư xây dựng nâng cấp, bổ sung công suất các trạm bơm Đại Định, Bạch Hạc, Liễu Trì, bảo đảm chủ động vận hành không phụ thuộc dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, đáp ứng việc giảm dần/không có các đợt điều tiết bổ sung dòng chảy từ các hồ chứa thủy điện.


  • 09/02/2023 04:00
  • Trần Hiếu
  • 4218