Tổng cục Phòng chống thiên tai họp đánh giá kết quả vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2018 - Ảnh: Huyền Thương
|
Ông Trần Quang Hoài cho biết: Năm 2017, Văn phòng Ban Chỉ đạo, các địa phương, các chủ hồ chứa đã có sự phối hợp rất chặt chẽ để đảm bảo an toàn công trình đầu mối cũng giảm thiểu thiệt hại cho hạ du.
Chuẩn bị cho mùa mưa lũ sắp tới, ông Trần Quang Hoài đề nghị chính quyền các địa phương ở hạ du của các công trình thủy điện tuyên truyền, vận động bà con thu hoạch nông sản, hoa màu, thủy sản trước ngày 15/6.
Đối với EVN và các nhà máy thủy điện cần tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành thiết bị, tổ máy để đảm bảo vận hành tốt nhất khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho biết: Năm 2017, tổng lượng dòng chảy về của 4 hồ chứa thuỷ điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà tham gia cắt lũ trên lưu vực sông Hồng đều lớn hơn tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm.
Năm 2017, Ban Chỉ đạo đã ban hành 47 Công điện chỉ đạo vận hành các hồ trên lưu vực sông Hồng và đảm bảo an toàn cho hạ du. Trong đó, hồ Sơn La vận hành xả lũ 5 đợt với tổng thời gian là 24 ngày, thời điểm vận hành lớn nhất là 2 cửa xả đáy; hồ Hòa Bình vận hành 4 đợt xả lũ với tổng thời gian là 40 ngày, thời điểm vận hành lớn nhất là 8 cửa xả đáy với tổng lưu lượng xả về hạ du là 16.520m3/s trong đợt mưa lũ từ ngày 10-12/10/2017. Đây cũng là đợt xả lũ lớn nhất trong lịch sử của hồ Hoà Bình.
Năm 2018, Tổng cục PCTT đã có dự thảo đề cương và dự toán lựa chọn đơn vị tính toán điều hành liên hồ chứa gồm 7 đơn vị: Trường Đại học Thủy lợi, Viện Cơ học, Viện Khoa học Thủy lợi, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia; Viện Quy hoạch Thủy lợi; Trung tâm Động lực học Thủy khí môi trường; Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai. Đồng thời có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.