Thủy điện Quảng Trị đang có dung tích phòng lũ rất cao |
Đối với Thủy điện Trung Sơn (tỉnh Thanh Hóa), ông Vũ Hữu Phúc - Giám đốc Công ty Thủy điện Trung Sơn cho biết: Ngay từ tháng 4/2019, Công ty đã triển khai các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN). Ứng phó bão số 4, Giám đốc Công ty sẽ trực tiếp chỉ huy tại Nhà máy, các thành viên khác trong Ban chỉ huy PCTT&TKCN của Công ty được phân công và giao trách nhiệm cụ thể.
“Tính đến thời điểm 15h ngày 29/8, mực nước hồ chứa là 147 mét, dưới mực nước chết 3 mét và mực nước dâng bình thường là 160 mét. Tổng dung tích phòng lũ của hồ hiện tại là 160 triệu m3. Lưu lượng nước về hồ đang ở mức rất thấp. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi tình hình nước về để vận hành an toàn, hiệu quả và đảm bảo an toàn công trình đầu mối”, ông Phúc cho biết.
Đối với Thủy điện Bản Vẽ (tỉnh Nghệ An), ông Tạ Hữu Hùng – Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cũng khẳng định: Công ty đã chuẩn bị chu đáo vật tư, thiết bị dự phòng để ứng phó với các đợt mưa bão với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho Nhà máy và vùng hạ du. Công ty đã mua được số liệu thủy văn từ bên Lào, nên có thể tính toán được chính xác lưu lượng nước về hồ chứa phục vụ công tác vận hành.
“Trước cơn bão số 4, Công ty đã triển khai nhắn tin cho khoảng 1.000 hộ dân và chính quyền địa phương vùng hạ lưu đập Thủy điện Bản Vẽ để địa phương và nhân dân vùng hạ du có sự chuẩn bị”, ông Hùng cho biết.
Hiện tại, mực nước hồ Thủy điện Bản Vẽ đang ở mức 181,5/200 mét so với mực nước dâng bình thường, dung tích phòng lũ khoảng 700 triệu m3. Công ty cũng đã thực hiện đắp đê quây gia cố Trạm biến áp 220 kV của Nhà máy, sẵn sàng đảm bảo vận hành an toàn khi lũ về với tần suất 5% (tức lưu lượng nước về trên 3.000 m3/s).
Thủy điện Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) mới đây đã phải ngừng phát điện do cạn kiệt nước vì khô hạn. Hiện tại, lưu lượng nước về đã khá hơn, tuy nhiên vẫn không đáng kể - ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Thủy điện Quảng Trị cho biết. Hiện tại mực nước hồ Quảng Trị là 451 mét, cao hơn mực nước chết 1 mét và còn khoảng 29 mét nước nữa mới đến mực nước dâng bình thường. Tổng dung tích phòng lũ hiện tại khoảng 140 triệu m3 , sẵn sàng cắt lũ với lưu lượng lớn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hạ du.
Ứng phó với bão số 4, Công ty đã thành lập Đội xung kích PCTT&TKCN và tổ trực lũ, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, tập huấn quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ cho các chức danh liên quan. Đặc biệt, Công ty thường xuyên theo dõi sát kết quả quan trắc tốc độ chuyển dịch công trình, động thái nước, áp lực trong thân và nền công trình, mức độ thẩm thấu của công trình,…
Đối với công tác vận hành hồ chứa, Công ty luôn thực hiện vận hành đúng quy trình vận hành hồ chứa đã được các cấp phê duyệt, đảm bảo an toàn vùng hạ du trong mùa lũ. Công ty cũng phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát dòng chảy tự nhiên vùng hạ du đập trước, trong và sau khi xả lũ, nhằm đảm bảo an toàn công trình đầu mối và giảm nhẹ thiên tai do lũ, bão gây ra.
Để ứng phó với bão số 4, EVN yêu cầu các công ty thủy điện:
- Tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn, chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả; tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
- Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, các sự cố do các đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục.
- Bố trí lực lượng để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp.
|
Huyền Thương
Share