Tham dự phiên họp có ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; đại diện các Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia của Hội đồng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc, lãnh đạo Công ty Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Huội Quảng - Bản Chát.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại phiên họp |
EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý vận hành các công trình
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá: Thời gian qua, EVN và các đơn vị thủy điện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình, điều tiết hồ chứa. Các công ty quản lý 5 nhà máy trên bậc thang thủy điện sông Đà đã thực hiện kiểm tra tổng thể, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; sửa chữa và củng cố các hạng mục công trình, thiết bị. Các công trình đã đủ điều kiện sẵn sàng tham gia chống lũ và tích nước năm 2022.
Chủ tịch Hội đồng lưu ý, các nhà máy thủy điện cần tiếp tục đảm bảo an toàn đập; xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá hiện trạng chất lượng công trình; tiếp tục quan trắc thời gian truyền lũ các tuyến đập, phục vụ công tác điều hành chống lũ hàng năm của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai; bổ sung tình hình dự báo thủy văn đáp ứng cho vận hành, đề xuất về công tác dự báo, bao gồm cả hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn tại Báo cáo an toàn.
Ngoài ra, các đơn vị cũng cần nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác kiểm tra, quan trắc đập; quan trắc khí tượng thủy văn, tính toán quá trình lũ,… để vận hành công trình thủy điện hiệu quả, an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Chủ tịch Hội đồng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất với Chính phủ điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng ban hành kèm theo Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/06/2019 của Thủ tướng Chính phủ (Quy trình 740) theo hướng tiệm cận dần với thời gian thực nhằm khai thác các hồ chứa an toàn và hiệu quả. Theo đó, Tổng cục Phòng, chống thiên tai điều hành hồ chứa theo hướng linh hoạt, an toàn, tận dụng tối đa nguồn nước và khi nhận định không xuất hiện lũ muộn thì chủ động xem xét cho các hồ chứa tích nước sớm hơn so với Quy trình để tích đủ nước phục vụ đổ ải Đông Xuân và phát điện mùa khô năm 2023.
Lãnh đạo UBND các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Ðiện Biên và Lai Châu cũng cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn, bảo đảm an toàn hồ chứa; tuân thủ các quy định về bảo vệ cảnh quan, môi trường nguồn nước; không làm ảnh hưởng đến các đặc trưng kỹ thuật của hồ chứa và làm cản trở dòng chảy đến hồ. Hàng năm, có biện pháp tuyên truyền để người dân trồng và phát triển rừng, hạn chế dần đến cấm sử dụng các chất diệt cỏ, phá hủy môi trường, làm tăng bào mòn của đất, gia tăng bồi lắng và các chất lơ lửng ảnh hưởng đến chất lượng nước của các hồ chứa.
Các đại biểu tham dự phiên họp |
Khẳng định công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu
Báo cáo trước Hội đồng, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Những năm qua, các công trình thủy điện trên bậc thang sông Đà đã luôn khẳng định được vai trò chiến lược đa mục tiêu với việc chống lũ, phát điện, chống hạn. Tổng sản lượng điện sản xuất 5 tháng đầu năm của thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Huội Quảng và Bản Chát là 8,34 tỷ kWh, tăng 170 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 7,3% sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện.
Trong công tác phòng chống thiên tai, các nhà máy đã thực hiện bảo dưỡng thiết bị công nghệ; chuẩn bị phương tiện, vật tư vật liệu, thông tin liên lạc; xây dựng Quy chế phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp của địa phương, các chủ đập trên bậc thang lưu vực sông Đà.
Từ ngày 12/6 đến 19/6/2022, thực hiện các công điện của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, các hồ thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình và Huội Quảng đã thực hiện xả nước từ các hồ chứa. Kết thúc đợt xả đợt xả, các công ty thủy điện đã tổ chức kiểm tra tình trạng công trình. Kết quả cho thấy các hạng mục vẫn đảm bảo an toàn, sẵn sàng tiếp tục tham gia chống lũ năm 2022.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 04/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 về việc thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng bởi: thời điểm Nghị định ra đời bậc thang thủy điện Sông Đà chưa hoàn chỉnh (công trình thủy điện Lai Châu, Huội Quảng đang xây dựng)...
Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN phát biểu tại phiên họp |
EVN kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, đánh giá tác động tới lòng, bờ hồ… khi quyết định phê duyệt các Dự án khai thác nạo vét cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, nguồn từ vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Trên cơ sở ý kiến của các Bộ và cơ quan liên quan, Bộ Công Thương sớm Báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thi công trở lại Dự án Hòa Bình mở rộng.
Để hài hòa lợi ích các ngành kinh tế trong việc sử dụng tài nguyên nước, EVN kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép Tập đoàn cùng phối hợp nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung Quy trình 740. Tiếp tục tạo điều kiện để Tổng cục Khí tượng thủy văn nâng cao chất lượng dự báo, phục vụ cho khai thác, vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Bài, ảnh: Trần Hiếu
Share