Cách đối phó lịch sự với người nói nhiều

Những người nói quá dài và quá nhiều có thể gây khó khăn cho việc giao tiếp, khiến bạn muốn tránh xa họ.

Người nói quá nhiều được định nghĩa là những người thiếu khả năng kiểm soát ức chế do mất "chức năng thùy trán", khiến họ nói lan man, không đúng trọng tâm, thông tin không liên quan, lặp đi lặp lại trong khi không nhận thức được hành vi của mình.

Một nghiên cứu năm 2016 của nhà khoa học Esther Giroldi và các đồng nghiệp tại Đại học Maastricht, Hà Lan đã tìm kiếm ra các giải pháp hữu hiệu để đối phó với người nói nhiều.

Một trong số đó dựa trên việc hiểu nguyên nhân của việc nói nhiều và ba chiến lược còn lại dựa trên việc kiểm soát thiệt hại.

Tạo cho đối phương cảm giác an toàn

Theo Susan Krauss Whitbourne, giáo sư Khoa học Tâm lý và Não bộ tại Đại học Massachusetts Amherst, Mỹ, những người nói quá nhiều có thể do cảm thấy lo lắng về tình huống bản thân đang gặp phải, hoặc có lẽ họ thực sự cô đơn và đây là cơ hội đầu tiên họ có để chia sẻ sau một thời gian dài im lặng.

Vì vậy hãy tạo cho họ cảm giác an toàn và thoải mái. Nên làm những gì có thể để khiến đối phương cảm thấy được lắng nghe. Đặt câu hỏi, mỉm cười, chia sẻ ý tưởng và quan điểm của bạn. Bằng cách lắng nghe và thực sự tham gia vào câu chuyện trong phạm vi thời gian của mình, bạn sẽ cho thấy rằng bạn thực sự coi trọng họ, thay vì cố gắng ngắt lời họ.

Việc ngắt lời hoặc hạ thấp người khác có thể gây mất mặt, vì vậy hãy thể hiện sự đồng cảm cũng như khiếu hài hước khi bạn ngắt lời họ. Nếu bạn buộc phải dừng họ lại, nên nói những câu nhẹ nhàng như "Tôi rất thích nói chuyện với bạn, nhưng bây giờ tôi phải đi đây" hoặc "Xin lỗi, nhưng tôi không có thời gian để nói chuyện nữa, tôi đang vội quá".

Đặt giới hạn thời gian cho cuộc trò chuyện

Đừng ra lệnh cho người đó im lặng, đơn giản hơn, nên xem liệu bạn có thể hạn chế họ hay không. Hãy kiên nhẫn nhưng hãy kiên định với ranh giới của mình.

Hầu hết những người thích nói nhiều sẽ tôn trọng giới hạn của bạn nếu bạn đặt ra yêu cầu rõ ràng với họ. Bạn có thể kiểm soát cuộc trò chuyện của mình nhiều hơn bằng cách thẳng thắn về thời gian bạn có ngay từ đầu, ví dụ như nói "Tôi có 5 phút trước cuộc họp". Nếu bạn bị đặt vào tình thế bị động, ví dụ không biết đối phương thuộc tuýp "nói nhiều", bạn có thể ngắt lời và đề xuất thời gian khác để nói chuyện. Bằng cách này, bạn sẽ có thể tiếp tục cuộc trò chuyện theo cách của riêng mình.

Khéo léo đề nghị họ thay đổi hành vi

Cần lưu ý, đối phương đã quen với kiểu hành vi này trong nhiều năm và họ không thay đổi chỉ vì bạn yêu cầu họ làm vậy. Do đó, nên khéo léo đề nghị họ thay đổi dần hành vi của mình. Bạn có thể nhắc nhở họ về tác hại việc nói nhiều gây ra cho bạn và những người khác.

Trước đám đông, điều quan trọng là không hạ bệ đối phương vì họ nói nhiều. Bạn có thể tinh tế điều hướng việc đối phương nói nhiều. Ví dụ, trong cuộc họp, nếu một người nói quá nhiều và lan man, bạn có thể chủ động nhắc nhở "Cảm ơn anh đã đưa ra rất nhiều ý tưởng hay, chúng ta hãy dừng lại một chút và để cô C đưa ra phản hồi".

Link gốc


  • 14/08/2024 10:54
  • Theo vnexpress.net
  • 5454