Việc cải tiến biểu giá điện sinh hoạt bậc thang không phải là điều chỉnh giá điện |
1 giá điện: Dễ áp dụng, nhưng…
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Ðiều tiết Ðiện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Dự thảo Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt có 4 phương án, trong đó có phương án 1 bậc. Ưu điểm của phương án này là đơn giản, dễ theo dõi, dễ áp dụng. Tuy nhiên, phương án này còn có nhiều nhược điểm. Thứ nhất, không khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Thứ hai, đa số khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh (phần lớn là người lao động, hộ nghèo, đối tượng chính sách…) sẽ phải trả tiền điện cao hơn. Thứ ba, số tiền Ngân sách nhà nước phải hỗ trợ tiền điện tăng thêm đối với các hộ nghèo, hộ chính sách (khoảng 1,8 triệu hộ), do giá bán điện cao hơn giá bậc 1 hiện nay.
Ðồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá cho biết, Việt Nam chưa đủ điều kiện áp dụng phương án 1 mức giá điện. Ðầu tiên, về chi phí sản xuất điện, khi phụ tải tăng cao, hệ thống điện phải huy động nguồn điện chạy dầu giá cao mới có thể đảm bảo điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Thứ hai, điện được sản xuất từ những nguồn tài nguyên không tái tạo và đang có nguy cơ cạn kiệt. Do đó, buộc phải tạo áp lực về giá để tiết kiệm điện. “Không có cách nào khác, chúng ta phải xây dựng biểu giá điện bậc thang, càng sử dụng điện nhiều, giá càng đắt”, ông Thỏa kết luận.
Theo GS.VS.TSKH Trần Ðình Long, Phó Chủ tịch Hội Ðiện lực Việt Nam, giá điện 1 bậc là tương lai mà Việt Nam sẽ tiến đến. Theo kế hoạch, đến 2023-2025, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam sẽ hoàn tất, lúc này sẽ không còn giá điện bậc thang. Trên con đường đó, số bậc thang giá điện đang giảm dần từ 7 bậc, xuống 6 bậc, 5 bậc… Còn hiện nay, giá điện bậc thang không chỉ được áp dụng tại Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước công nghiệp phát triển, coi đây là công cụ điều tiết nhu cầu sử dụng điện của khách hàng…
Áp dụng phương án 5 bậc: Khách hàng dùng dưới 250 kWh/tháng có lợi
Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, việc cải tiến biểu giá điện sinh hoạt bậc thang không phải là điều chỉnh giá điện mà chỉ xem xét lại các bậc thang giá điện sinh hoạt cho phù hợp với thực tế sử dụng điện hiện nay của các đối tượng khách hàng. Ðể nghiên cứu và xây dựng các phương án, Bộ Công Thương đã thống kê thực tế sản lượng điện sử dụng của các khách hàng trong thời gian vừa qua. Với mỗi phương án đưa ra, Bộ đều có tính toán so sánh số tiền khách hàng ở mỗi bậc thang phải chi trả so với phương án hiện đang áp dụng.
Theo đó, cả 5 phương án Bộ đề xuất đều có ưu điểm là giảm số bậc thang so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, các phương án 1 bậc, 3 bậc và 4 bậc có nhược điểm chung là các khách hàng sử dụng điện ở mức thấp đều phải trả nhiều tiền hơn, còn khách hàng sử dụng nhiều điện lại phải trả ít hơn. Cụ thể, với 3 phương án này, khách hàng sử dụng điện dưới 300 kWh/tháng (chiếm tỷ lệ 87% tổng số khách hàng) sẽ bị thiệt, đồng thời ngân sách ngân sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách lại tăng lên.
Phương án 5 bậc đã khắc phục được điểm nêu trên, hơn 20 triệu khách hàng sử dụng dưới 250 kWh tháng đều được lợi khi số tiền điện phải trả thấp hơn. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Bộ Công Thương đã tính toán kĩ trước khi đưa ra các phương án cải tiến biểu giá điện hiện hành. Ðồng thời, Bộ cũng đã phân tích kỹ những ưu/nhược của từng phương án, đảm bảo lựa chọn được phương án hợp lý và khả thi nhất. “Khó có thể kì vọng có 1 biểu giá điện làm 100% người dân hài lòng. Do đó, chúng ta cần dựa trên nguyên tắc, biểu giá nào mang lại lợi ích lớn nhất, hài hòa nhất cho người tiêu dùng, cho sản xuất điện, cho quản lý nhà nước sẽ được lựa chọn. Bộ Công Thương định hướng lựa chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1, cá nhân tôi cho rằng đó là phương án khả thi”, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho hay.
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành
|
Biểu giá điện sinh hoạt phương án 5 bậc, kịch bản 1 |