Cải tiến xe nâng di chuyển tủ và con đội hạ tủ hợp bộ 24 kV

Sáng kiến “Cải tiến xe nâng di chuyển tủ và con đội hạ tủ hợp bộ 24 kV” của tác giả Nguyễn Đình Anh Thảo - Giám đốc Chi nhánh Điện cao thế Tây Ninh và cộng sự đã được Hội đồng sáng kiến Tổng công ty Điện lực miền Nam công nhận là sáng kiến cấp Tổng công ty, xếp hạng A, giá trị làm lợi hàng trăm triệu đồng.

Con đội và dụng cụ hỗ trợ

Lý do ra đời sáng kiến

Trước đây, việc di chuyển tủ hợp bộ 24 kV vào vị trí lắp đặt (trên mương cáp) thường dùng con lăn, dây thừng hoặc xe nâng. Nếu sử dụng con lăn và dây thừng di chuyển tủ vào vị trí và hạ tủ bằng xà beng thì mất ít nhất là 01 giờ mới lắp được 01 tủ và phải cần đến 10 người. Nếu dùng xe nâng di chuyển tủ vào vị trí và hạ tủ bằng xà beng thì mất khoảng 45 phút mới lắp được 01 tủ và cũng cần tới 10 người. 

Dùng xe nâng di chuyển tủ có thể sẽ gây biến dạng đáy tủ và không đảm bảo an toàn khi di dời, do chiều dài xe nâng (1,1 m) ngắn hơn tủ hợp bộ (1,8 m) và chiều ngang của xe nâng là 0,54 m, trong khi chiều ngang tủ tối thiểu là 0,8m.

Việc hạ tủ hợp bộ từ trên thiết bị (con lăn, xe nâng) tại vị trí lắp đặt, thông thường phải dùng xà beng bẩy tủ ra để giải phóng thiết bị chuyên trở, đồng thời hạ tủ xuống. Trong quá trình hạ tủ xuống bằng xà beng thì tủ sẽ rơi mạnh, có thể gây chấn động tủ làm hư hỏng thiết bị bên trong và có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động (trượt xà beng, trượt con lăn...).

Trong hoàn cảnh đó, giải pháp “Cải tiến xe nâng di chuyển tủ và con đội hạ tủ hợp bộ 24 kV” được đề xuất. 

Mục đích giải pháp

- Vận chuyển tủ an toàn và không bị biến dạng trên cơ sở tăng diện tích bề mặt xe nâng (1,8 m x 0,6 m) bằng diện tích đáy tủ và cân bằng lực khi di chuyển, tránh trường hợp tủ bị rơi. Lúc đó, trọng tâm của tủ hợp bộ nằm giữa hai bánh xe và là trọng tâm cố định (sử dụng con lăn thì trọng tâm không cố định lý do con lăn bằng ống có xu hướng tự do).

- Hạ tủ hợp bộ 24 kV nhẹ nhàng tiếp xúc với đất không bị rơi tự do, tránh hư hỏng thiết bị bên trong và giảm nguy cơ xảy ra tai nạn lao động do nguy cơ trượt xà beng, trượt con lăn... 

- Rút ngắn thời gian thi công và nhân lực thi công. 

Nội dung giải pháp

* Đối với việc di chuyển tủ bằng xe nâng 

- Dùng sắt V70x70x5 và tôn dày 5 mm hiện có chế thành bộ lắp ghép có diện tích 1,8x0,6 m gần bằng đáy tủ. Lắp đặt và tháo ra trên xe nâng một cách dễ dàng và có thể thay thế diện tích, tùy theo kích thước.

- Khi di chuyển tủ sử dụng xe nâng sẽ dễ dàng đưa tủ vào các vị trí có diện tích nhỏ hẹp, lúc đó trọng tâm của tủ là cố định trên xe, nên có thể chủ động di chuyển xe đặt tủ đúng vào vị trí vận hành.

* Đối với việc hạ tủ hợp bộ khi đưa vào vị trí 

Tận dụng sắt V40x40 và con đội chế thành bộ nâng và hạ tủ êm ái, nhanh chóng. Trong lúc hạ tủ có thể kiểm soát được tốc độ và kiểm soát được thao tác (có thể dừng lại khi phát hiện bất thường, mất an toàn...) hạn chế tai nạn lao động. Bộ này có thể tháo lắp được trong lúc di chuyển và thay thế kích thước theo địa hình.

Khả năng áp dụng:

- Hiện nay các công trình lắp mới giàn hợp bộ 24 kV và thay thế tủ hợp bộ 24 kV tại các trạm 110 kV đang gặp khó khăn trong việc đưa tủ hợp bộ 24 kV vào vị trí lắp đặt vận hành.

- Giải pháp này áp dụng vào lắp đặt tủ hợp bộ 24 kV tại các TBA 110 kV do Công ty Lưới điện Cao thế miền Nam quản lý vận hành.

Hiệu quả kinh tế 

* Đối với việc lắp mới, chỉ cần 07 người, giảm được 3 người và thời gian thao tác giảm được khoảng 50% so với trước.

* Đối với việc thay thế giàn tủ hợp bộ 24 kV

Trạm biến áp 110 kV Tân Hưng, Chi nhánh Điện cao thế Tây Ninh thay thế giàn tủ hợp bộ thanh cái C41 (09 tủ) thời gian cắt điện từ 5h ngày 21/03/2015 đến 11h45 ngày 21/03/2015 kể cả thời gian cắt điện, thí nghiệm và nghiệm thu thiết bị. Riêng công tác thay tủ, bắt đầu từ 5 giờ 30 phút, hoàn thành vào 11 giờ 30 phút ngày 21/03/2015.

Áp dụng sáng kiến “Cải tiến xe nâng di chuyển tủ và con đội hạ tủ hợp bộ 24 kV” để thay thế 09 tủ hợp bộ thanh cái C41 tại TBA 110 kV Tân Hưng, sau khi tính toán cụ thể cho thấy, tổng số tiền tiết kiệm được là hơn 590 triệu đồng.  

Hiện sáng kiến trên đã được áp dụng trong Công ty Lưới điện Cao thế miền Nam, góp phần giảm thời gian mất điện (giảm tổn thất điện năng), giảm nhân sự và hạn chế rủi ro xảy ra tai nạn lao động. 


  • 18/05/2017 11:11
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 13349