Nhiều khó khăn
Chỉ còn 2 năm nữa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải hoàn thành công tác đầu tư - xây dựng giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch, giai đoạn này EVN sẽ đưa vào vận hành nhiều dự án nguồn điện, lưới điện để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải, khắc phục tình trạng quá tải, cải thiện chất lượng điện áp. Cùng với đó, EVN cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, hệ thống lưới điện truyền tải từ 220 kV trở lên trên toàn quốc và lưới điện 110 kV tại các thành phố lớn đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1.
Trong nửa đầu giai đoạn 2016-2020, EVN đã hoàn thành khối lượng đầu tư xây dựng rất lớn với nhiều công trình đặc biệt quan trọng như Thủy điện Lai Châu, Nhiệt điện Duyên Hải 3, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 3,... Tuy nhiên, theo ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN, khối lượng các dự án buộc phải hoàn thành từ nay đến năm 2020 vẫn còn rất lớn. Nhiều dự án nguồn, lưới điện trọng điểm, cấp bách vẫn còn chậm tiến độ, ảnh hưởng tới công tác cung cấp điện, đặc biệt là việc cung cấp điện cho miền Nam. Điển hình là tình trạng thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch phát triển điện lực các cấp; quy định hiện hành về đầu tư xây dựng còn bất cập, chưa cập nhật kịp với diễn biến thực tế; việc đền bù, giải phóng mặt bằng ngày càng phức tạp...
Bên cạnh đó, việc thu xếp vốn cho các dự án vẫn là thách thức không nhỏ, khi Chính phủ không tiếp tục bảo lãnh vay vốn; việc vay vốn tín dụng từ các ngân hàng trong nước cũng đạt mức trần; nguồn vốn ODA cũng hạn chế so với trước đây… Ngoài ra, một số dự án dở dang do các nhà đầu tư khác đầu tư, nay giao về EVN quản lý cũng gặp những khó khăn nhất định, do phải thực hiện lại việc hiệu chỉnh quy hoạch, báo cáo nghiên cứu khả thi...
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân kiểm tra tiến độ thi công Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng
|
Quyết liệt các giải pháp
Để vượt qua khó khăn, thách thức, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành yêu cầu các đơn vị cần chủ động hơn trong việc triển khai theo các quy định hiện hành; phối hợp chặt chẽ với địa phương rà soát quy hoạch phát triển điện lực để kịp thời điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế; tích cực làm việc, bám sát các địa phương để tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Các đơn vị cũng cần khẩn trương rà soát quy hoạch đã được duyệt đối với các dự án lưới điện còn chậm đồng bộ tiến độ với phát triển nguồn điện; đồng thời báo cáo cấp trên bổ sung quy hoạch những dự án cấp thiết, đặc biệt là dự án giải tỏa công suất, đồng bộ với nguồn năng lượng tái tạo. Lãnh đạo các ban quản lý dự án và các phòng chức năng thường xuyên bám sát công trường và có kế hoạch làm việc trực tiếp với nhà thầu và tư vấn, giám sát, cảnh báo, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nhà thầu gây ra; có biện pháp kiên quyết đối với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ.
Việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực đầu tư xây dựng cũng sẽ được đẩy mạnh theo hướng tin học hóa sâu rộng, tận dụng tối đa ưu thế kết cấu hạ tầng viễn thông của Tập đoàn; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới vào khảo sát, giám sát thi công, quản lý dự án, đấu thầu qua mạng...
Bên cạnh sự chủ động, phát huy sức mạnh nội lực của EVN trong lĩnh vực thu xếp vốn như, đẩy nhanh xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, tạo tiền đề để tiếp cận với các nhà tài trợ mới, các nguồn vốn mới, Tập đoàn cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù trong huy động vốn cho các dự án điện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Cụ thể, các ngân hàng thương mại trong nước cho phép EVN và các đơn vị thành viên vay vốn vượt giới hạn tín dụng; bão lãnh cho các dự án cấp bách, trọng điểm, cấp vốn cho các dự án lưới điện thực hiện theo Chương trình 2081…
Giai đoạn 2016 - 2018, EVN đã đưa vào vận hành:
- 16 tổ máy, với tổng công suất 4.540 MW;
- 149 công trình lưới điện 500-220 kV;
- 634 công trình lưới điện 110 kV;
- Hoàn thành cấp điện cho 100% số xã trên cả nước, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt trên 99%;
- Tổng vốn đầu tư xây dựng: 358.420 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu - nhiệm vụ chính của công tác đầu tư xây dựng năm 2019:
Nguồn điện:
- Hoàn thành, đưa vào vận hành 05 tổ máy
- Khởi công 03 dự án: Nhiệt điện Quảng Trạch I, Điện mặt trời Sê San 4, Điện mặt trời Phước Thái 1.
Lưới điện
- Hoàn thành và đưa vào vận hành 232 công trình lưới điện 500/220/110 kV;
- Khởi công 231 công trình lưới điện 500/220/110 kV.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng: 104.936 tỷ đồng.
|