Cần quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân

Là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2019-2020 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, tại hội nghị vừa được tổ chức ở Hà Nội.

Nguồn nước về thấp nhất lịch sử

Theo ông Vũ Đức Long - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay, tổng dung tích các hồ chứa lớn trên sông Hồng thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 5,1 tỷ m3. Trong đó, tổng dung tích 3 hồ chứa lớn (gồm Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà) thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 3,08 tỷ m3, thấp hơn so với Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng khoảng 1,55 tỷ m3.  

Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2019-2020 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ  ngày 28/12, tại Hà Nội.

Dự báo, từ tháng 1 đến tháng 6/2020, nguồn nước trên các sông suối khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, cụ thể lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 20-40%, lưu vực sông Thao thiếu hụt 20-50%, riêng hạ lưu sông Hồng thiếu hụt từ 20-30%.

“Sau khi kết thúc đổ ải, mực nước sông Hồng giảm nhanh, hạ lưu cũng giảm mạnh, thấp nhất ở mức 0,2-0,3m, xuất hiện vào cuối tháng 2 hoặc tháng 3/2020. Mùa khô năm tới, tình hình thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra tại một số tỉnh ở khu vực Tây Bắc và Đông Bắc”, ông Vũ Đức Long cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Chính, Phó Trưởng ban Kỹ thuật – Sản xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến nay, tổng lượng nước tích được ở các hồ trên lưu vực sông Hồng là 11,3 tỷ m3, tương ứng 60% dung tích hữu ích (thiếu hụt khoảng 7,6 tỷ m3 so với mực nước dâng bình thường). Trong đó, các hồ trực tiếp vận hành xả nước vụ Đông Xuân (Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà) tích được 5,7 tỷ m3, tương ứng 57,3 % dung tích. Đây là năm mà mực nước ở hồ Hòa Bình tích được thấp nhất kể từ khi nhà máy vào vận hành tới nay. 

Theo tính toán của EVN, nếu xả nước như yêu cầu của Bộ NN&PTNT thì tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện trong 3 đợt khoảng 4,3 tỷ m3. Sau khi xả, hồ Hòa Bình còn 5,7% dung tích hữu ích, hồ Thác Bà còn khoảng 18,2% dung tích hữu ích và hồ Tuyên Quang còn tương đương 8,4% dung tích hữu ích.

Ông Chính cho biết thêm, hồ Hoà Bình sau cấp nước đổ ải còn phải thực hiện nhiệm vụ đáp ứng được nhu cầu phụ tải tăng cao trong cao điểm mùa khô và chống quá tải. Cùng với đó, phải đảm bảo cấp nước cho nhà máy nước sạch sông Đà. Ngoài ra, sau đổ ải, các hồ còn phải cấp nước phục vụ tưới dưỡng cho diện tích lúa đã được gieo cấy, mực nước các hồ sẽ giảm xuống gần mực nước chết.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tập trung lấy nước trong thời gian các hồ xả nước

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Chính đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương tập trung tối đa lấy nước khi các hồ thủy điện thực hiện xả nước, xem xét giảm số ngày xả lấy nước trong đợt 2 và giảm mức nước yêu cầu cho các đợt còn lại để tiết kiệm lượng nước trữ trong hồ phục vụ các nhu cầu kinh tế - xã hội vào mùa khô năm 2020.

“Về lâu dài, cần có giải pháp để các địa phương có thể chủ động hoàn toàn việc lấy nước phục vụ sản xuất mà không cần phải thực hiện các đợt xả nước tăng cường từ các hồ chứa điện”, ông Chính kiến nghị.

Ông Nguyễn Quốc Chính, Phó trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN phát biểu tại Hội nghị

Đồng tình với kiến nghị trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương chủ động lấy nước ngay, tích nước vào ao hồ chứ không đợi đến đợt cấp nước thứ hai mới tiến hành lấy nước. Các địa phương cố gắng đổ ải, lấy nước, gieo cấy cùng lúc. Bộ cũng sẽ thành lập các đoàn đi kiểm tra trực tiếp tại các địa phương trong việc lấy nước.

Kết luận hội nghị này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác lấy nước; trong đó, tiếp tục rà soát, xây dựng chi tiết các phương án lấy nước trên tinh thần tận dụng tối đa nguồn nước tại chỗ, nước hồi quy; thực hiện phương châm lấy nước đến đâu thì làm đất, gieo cấy đến đó; hạn chế gieo sạ, tăng cường biện pháp cấy.

Cùng với giải pháp trên, các địa phương lưu ý việc chuyển đổi, sử dụng cơ cấu giống ít tiêu hao, phụ thuộc nguồn nước,...

Về lâu dài, các sở NN&PTNT cần tham mưu cho chính quyền các tỉnh, thành phố trong tái cơ cấu nông nghiệp; rà soát, đề xuất đầu tư xây dựng công trình thủy lợi mới phù hợp với tình hình thực tế. 


  • 28/12/2019 10:00
  • Lê Việt
  • 6692