Hội thảo do Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 24/11, tại Hà Nội.
Còn nhiều thách thức
Khai mạc hội thảo, ông Trần Tuệ Quang – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, mặc dù là nguồn năng lượng xanh nhưng điện mặt trời và điện gió có tính không ổn định, không liên tục giữa các thời điểm trong ngày và giữa các tháng trong năm. Việc tích hợp nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) vào hệ thống điện ngày càng tăng nhanh đã đặt ra những thách thức mới trong việc vận hành ổn định, an toàn. Với các chủ đầu tư nguồn điện mặt trời, việc phải giảm phát do nghẽn lưới, nhu cầu phụ tải thấp đã giảm hiệu quả kinh doanh đáng kể. Điều này đòi hỏi cần phải đầu tư công nghệ nhằm tăng tính linh hoạt, ổn định điện áp, dự phòng vận hành, tăng nhu cầu chuyển dịch đỉnh – đáy của phụ tải. Do đó, hệ thống lưu trữ năng lượng về lâu dài không thể thiếu trong hệ thống điện tích hợp cao nguồn năng lượng tái tạo; còn trong ngắn hạn, đây là giải pháp quan trọng để tăng hiệu quả của điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ lưu trữ năng lượng vẫn gặp không ít khó khăn do những rào cản về cơ chế chính sách; thủ tục quy hoạch; thiếu các văn bản quy định, hướng dẫn về mô hình dịch vụ phụ trợ hệ thống điện của các loại hệ thống lưu trữ năng lượng,...
Ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc hội thảo
|
Chia sẻ về khó khăn trong phát triển NLTT, ông Hoàng Trọng Hiếu – Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực cho biết, về cơ chế bù giá, giá điện từ NLTT hiện cao hơn so với nguồn năng lượng truyền thống. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang được Nhà nước giao thực hiện mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án NLTT với mức giá do Nhà nước quy định. Như vậy, EVN đang thực hiện chức năng thay Nhà nước. Khi tỷ trọng NLTT tăng lên sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành của ngành Điện. Về kỹ thuật, do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, địa hình, khí hậu nên tiềm năng các nguồn NLTT thường tập trung ở một số tỉnh, địa phương. Đáng nói, phụ tải tiêu thụ tại phần lớn địa phương này lại nhỏ, nên gây quá tải hệ thống truyền tải điện. Trong khi đó, việc nghiên cứu, xây dựng và vận hành các thiết bị tích trữ điện năng, xây dựng hệ thống dự báo thời tiết, khí tượng theo thời gian thực,…vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế.
Cần sớm có chính sách thúc đẩy giải pháp đầu tư lưu trữ năng lượng
Ông Nguyễn Thái Sơn – Thường trực Hội đồng khoa học Năng lượng, Tạp chí Năng lượng Việt Nam chia sẻ, với hệ thống điện có sự thâm nhập cao của nguồn NLTT, ngoài phát triển thủy điện tích năng để phát điện phủ định, việc nghiên cứu, phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) là cần thiết. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ lưu trữ năng lượng chưa phổ biến, quy mô công suất nhỏ và giá thành còn cao. Do đó, việc đầu tư phát triển BESS cần phải được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả.
Cũng theo ông Nguyễn Thái Sơn, Chính phủ cần sớm có chính sách thúc đẩy ứng dụng giải pháp đầu tư BESS đối với các nhà máy năng lượng tái tạo, hoặc cho toàn hệ thống điện; xem xét đầu tư, xây dựng các dự án thủy điện tích năng khác, ngoài dự án Thủy điện tích năng Bác Ái; các cơ quan quản lý nhà nước ngành Năng lượng cần đưa mô hình đầu tư hệ thống pin lưu trữ năng lượng vào quy hoạch điện VIII; phân biệt và giải quyết các cơ chế đầu tư BESS tương ứng.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần bổ sung, điều chỉnh các văn bản pháp lý liên quan, bởi theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, BESS chưa được phép tham gia cung cấp dịch vụ cho hệ thống, do đây là một loại hình mới, không sản xuất ra điện năng, chưa có cơ chế, chưa được định nghĩa trong các quy định. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hệ thống tích trữ năng lượng nối lưới.
Tham luận tại hội thảo này, đại diện Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, hiện nay, tỷ trọng các nguồn NLTT trên tổng công suất đặt toàn hệ thống đã rất cao (khoảng 25%), gây rất nhiều khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện. Vì thế nhu cầu tích trữ năng lượng là cấp thiết ngay từ thời điểm hiện tại, nhằm đảm bảo phủ định và dự phòng cho điện gió, điện mặt trời.
Cùng với công nghệ lưu trữ năng lượng, tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất cần tiếp tục phát triển thủy điện tích năng trong giai đoạn tới. Với ưu điểm có công suất, dung lượng dự trữ lớn, thời gian khai thác lên đến 70-80 năm, việc phát triển thủy điện tích năng sẽ hỗ trợ nâng cao khả năng vận hành của hệ thống. Cụ thể, thủy điện tích năng sẽ hỗ trợ hệ thống điện trong việc phủ đỉnh – điền đáy, góp phần san bằng biểu đồ phụ tải, hỗ trợ các nhà máy khác trên hệ thống hoạt động hiệu quả hơn; hỗ trợ giảm tải đường dây, tăng khả năng hấp thụ các nguồn NLTT; tham gia điều tần, đặc biệt là trong bối cảnh có sự thâm nhập tăng cao của các nguồn NLTT với tính biến động cao, nhu cầu dự phòng công suất điều tần cho hệ thống ngày càng lớn.