Điển hình nhất vụ cháy rừng tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) vào trưa ngày 28/6. Ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết: Các đám cháy đầu tiên xuất phát từ khu rừng thông, ngoài hành lang lưới điện, nhưng thời tiết nắng nóng, khô hanh kèm theo gió Tây Nam rất mạnh, nên các đám cháy lan nhanh vào khu vực đường dây 500kV gây sự cố.
Trước diễn biến phức tạp do cháy rừng gây ra, EVNNPT đã chỉ đạo Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) huy động lực lượng ra hiện trường xử lý, bổ sung ứng trực tại các điểm có nguy cơ cháy cao trong khu vực đường dây tải điện. Ông Trần Thanh Phong - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2, người trực tiếp chỉ huy tại hiện trường cho biết: Công ty đã huy động toàn bộ lực lượng gồm 110 người đến từ Truyền tải điện Đà Nẵng và Truyền tải điện Thừa Thiên Huế thực hiện nhiệm vụ.
Đến trưa 30/6/2019, trong quá trình đi kiểm tra hành lang tuyến, công nhân PTC2 lại phát hiện cháy rừng tại đèo Hải Vân, TP. Đà Nẵng, tại đoạn tuyến đường dây 500kV Hà Tĩnh - Đà Nẵng. Vị trí đám cháy nằm gần đỉnh đèo Hải Vân, việc đi lại rất khó khăn. Anh em công nhân truyền tải đã phải gùi hàng trăm can nước, leo bộ từ khu vực có nước đến vị trí đám cháy cách đó 500 mét để dập tắt đám cháy.Công ty phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương ứng trực tại các vị trí móng cột để sẵn sàng can thiệp nếu đám cháy lan tới gần khu vực hàng lang tuyến đường dây. Cũng theo ông Trần Thanh Phong, sau nỗ lực chống chọi với "giặc lửa" của đội ngũ công nhân truyền tải điện và lực lượng địa phương, đám cháy đã được dập tắt, không gây thiệt hại về thiết bị. Đường dây đã được đóng điện trở lại ngay trong chiều tối cùng ngày. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết nắng nóng khô hanh, nên nguy cơ cháy trở lại rất cao. PTC2 phải tiếp tục bố trí các nhóm công nhân túc trực ngày đêm, xử lý những điểm cháy còn âm ỉ, ngăn ngừa sự cố.
Vị trí đám cháy ở gần đỉnh đèo Hải Vân, nên anh em công nhân phải đi bộ vác nước cách đó 500m
|
Theo ông Trần Thanh Phong – Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2, nếu không kịp thời phát hiện và dập tắt đám cháy này, thiệt hại có thể lớn hơn nhiều so với đám cháy ở Thừa Thiên Huế, ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải điện 500 kV và không ít địa phương sẽ có thể mất điện.
Mới đây nhất, khoảng 10h30 ngày 8/7/2019 tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh xảy ra vụ cháy rừng trên đe dọa đến đường dây 110 kV từ Thủy điện Hương Sơn - Linh Cảm; đường dây 35 kV cấp điện cho trung tâm huyện Hương Sơn và các xã lân cận.
Thời điểm phát hiện cháy rừng, Điện lực Hương Sơn (thuộc Công ty Điện lực Hà Tĩnh) đã huy động CBCNV kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương, công an, lực lượng phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, báo cáo Công ty Điện lực Hà Tĩnh để thực hiện cấp điện mạch vòng từ các huyện Đức Thọ, Vũ Quang về cho các phụ tải quan trọng, đặc biệt là ở trung tâm huyện Hương Sơn. Chiều ngày 8/7/2019, đám cháy cơ bản được khống chế.
Những đốm lửa nhỏ cũng có thể bùng phát thành đám cháy lớn, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt hiện nay
|
Tuy nhiên, đến khoảng 22h đêm cùng ngày, đám cháy bùng phát trở lại và dữ dội hơn. Điện lực Hương Sơn lại tiếp tục huy động toàn bộ CBCNV phối hợp với lực lượng chức năng chữa cháy và phun nước khu vực xung quanh các cột điện gần bìa rừng để bảo vệ lưới điện. Sau nỗ lực liên tục chữa cháy suốt đêm, đến sáng 9/7 đám cháy đã cơ bản được khống chế. Điều đáng ghi nhận là từ đêm 8/7, các khách hàng trong khu vực vẫn được cấp điện ổn định.
Trước tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng kéo dài, các công ty truyền tải điện, công ty điện lực trên toàn quốc đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT, các công ty lâm nghiệp, lâm trường và các chủ rừng tiếp tục tuyên truyền và thực hiện tốt các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, nhằm hạn chế thấp nhất các sự cố cháy rừng tương tự tái diễn ảnh hưởng đến việc cung cấp điện.
Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
Share