Cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2017-2018: Tăng lượng nước, nhưng...

09:04, 26/02/2018

Sau 3 đợt cấp nước đổ ải, lượng nước cấp tăng 1,07 tỷ m3 so với năm ngoái, nhưng diện tích đủ nước của các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc bộ lại chỉ đạt trên 92,6%, thấp hơn 2%. Vì sao như vậy và liệu EVN có thực hiện được tốt nhiệm vụ của mình hay không?

5,74 tỷ m3 nước cấp cho hạ du

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), vụ Đông Xuân năm 2017-2018, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ gieo cấy tổng cộng 611.800 ha lúa. Với tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong 3 đợt là 5,74 tỷ m3 nước, diện tích đủ nước của các tỉnh đạt 92,6% (giảm hơn 2% so với năm trước).
Mặc dù lượng nước tăng so với vụ Đông Xuân 2016-2017, nhưng tỉ lệ đủ nước của các tỉnh lại giảm đi hơn 2%. Nguyên nhân được cho là năm nay thời tiết không thuận lợi. 

Theo ông Lê Xuân Uyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, Thành phố Hà Nội là địa phương có diện tích đủ nước thấp nhất (72,63%). Nguyên nhân là do trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều địa phương chưa thu hoạch xong hoa, rau màu… Vì vậy, các doanh nghiệp thủy lợi không thể đưa nước lên mặt ruộng mà chủ yếu bơm tích trữ trong hệ thống kênh mương nội đồng. Hiện tại Chi cục Thủy lợi Hà Nội đã tính toán các phương án sau khi địa phương thu hoạch để cấp đủ nước phục vụ gieo cấy cho nhân dân.

Ngoài Hà Nội, một số địa phương khác như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh cũng có diện tích đủ nước chưa đạt 100% là do các tỉnh này chủ động khai thác nguồn nước từ các trạm bơm mới xây dựng không phụ thuộc vào dòng chảy sông Hồng; tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng lấy nước từ nguồn lợi dụng thủy triều và Hưng Yên từ nguồn nước tích trữ trong hệ thống kênh mương. 

EVN đã cung cấp 5,74 tỷ m3 nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2017-2018

EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ 

Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi khẳng định: EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; về cơ bản, các địa phương đã đủ nước gieo cấy vụ Đông - Xuân. Trước đó, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với EVN và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện cho hạ du hệ thống sông Hồng làm 3 đợt lấy nước, thời gian tổng cộng 18 ngày. Để đảm bảo tối ưu nguồn nước, Bộ NN&PTNT đã quy định rút ngắn 3 ngày so với kế hoạch. Để duy trì các đợt lấy nước, EVN đã tăng cường phát điện các tổ máy từ hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang. Cùng với đó, EVN và các đơn vị cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung cấp đủ điện cho trạm bơm của các địa phương. 

Ngoài ra, các đợt cấp nước đổ ải năm nay đã được chuẩn bị kỹ: Lịch lấy nước của từng đợt được xác định phù hợp với kỳ triều cường, tính toán cụ thể để xác định khoảng thời gian xả nước tiết kiệm nhất; các cửa lấy nước, hệ thống kênh dẫn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư nạo vét tốt đã tạo thuận lợi cho việc dẫn nước vào ruộng; các địa phương chủ động trong việc vận hành hệ thống thủy lợi, nhiều nơi đã có kế hoạch chủ động lấy nước sớm và tích nước khi có điều kiện, kể cả thời gian giữa các đợt lấy nước. 

Để tiết kiệm nguồn nước, Tổng cục Thủy lợi cũng đã đề nghị Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện, báo cáo kết quả đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục việc hạ dẫn lòng dẫn hệ thống sông Hồng. Ngoài ra, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Bộ NN&PTNT ưu tiên bố trí vốn thực hiện Dự án Xây dựng trạm bơm Phù Sa, Thành phố Hà Nội (đã được Bộ phê duyệt dự án từ năm 2010) để giải quyết khó khăn về nguồn nước ở khu vực này hoặc có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội đề nghị đầu tư. 
 


Theo TCDL chuyên đề Thế giới điện

Share