Câu chuyện của nguyên Đội trưởng “Đội phản ứng nhanh”: Sự cố là lên đường

Đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Trương Văn Nha - Nguyên Đội trưởng Đội Quản lý và Sửa chữa đường dây 220-500 kV, Công ty Truyền tải điện 1 vẫn nhớ như in những năm tháng gian khó của người lính truyền tải điện ngày xưa.

 

Ông Trương Văn Nha - Ảnh X.Tiến

Ông kể, ông bắt đầu vào ngành Điện từ năm 1956, khi đó công tác tại Nhà máy điện Hà Nội, sau được chuyển sang Đội Xây dựng đường dây và Trạm (Sở Cung cấp Điện Hà Nội - nay là Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội). Đến năm 1981, ông chuyển sang Đội Quản lý và sửa chữa đường dây 220 kV thuộc Sở Truyền tải điện miền Bắc. Đơn vị này được coi là “Đội phản ứng nhanh” khi đường dây truyền tải điện từ Hà Tĩnh trở ra bị sự cố, lập tức Đội được điều động lên đường ngay. Sau này, khi lưới điện truyền tải được mở rộng, đòi hỏi phải có nhiều đội quản lý theo từng khu vực, Đội của ông chịu trách nhiệm quản lý, sửa chữa và vận hành đường dây thuộc khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Hải Phòng...

Kỷ niệm đầu đời của ông trong công tác sửa chữa lưới điện truyền tải là khắc phục sự cố đường dây 110 kV tại thành phố Hải Phòng năm 1968. Đây là một tuyến đường dây huyết mạch đảm bảo điện cho Hải Phòng phát triển kinh tế và  phục vụ chỉ huy tác chiến chống máy bay và tầu chiến Mỹ. Tuyến đường dây đã bị máy bay Mỹ ném bom phá nát. Sở Truyền tải điện miền Bắc đã huy động 2 đội tại Hà Nội xuống Hải Phòng sửa chữa đường dây bị đứt.

“Đó là công việc gian nan đầu tiên Đội của tôi tham gia” – Ông nhớ lại. Kéo dây xuống là cả một quá trình phức tạp khi đường dây cao, trong khi thiết bị hỗ trợ không có, chủ yếu làm thủ công. Anh em trong Đội đã chế ra xe “ra dây,” đưa người ngồi vào rồi dùng dây thừng thả ra đến độ võng đủ để gỡ dây xuống. Anh em làm liên tục trong 4 ngày, 3 đêm, huy động gần 200 người thuộc 2 đội mới có thể sửa xong đường dây đó.

Trầm ngâm giây lát, ông Nha kể tiếp: Hòa bình lập lại, “lính truyền tải” sợ nhất là bão đổ bộ vào gây sự cố lưới điện. Năm 1989, bão đổ bộ vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, đường dây 220 kV Thanh Hóa – Vinh bị đứt và đổ cột. Đội của ông lại được huy động vào sửa chữa. Phải mất 10 ngày làm việc cật lực, Đội mới khôi phục được đường dây. Lều bạt được anh em dựng lên. Chỗ nào gần nhà dân thì đến liên hệ với Chủ tịch xã xin ở nhờ. Trong ba lô của người lính truyền tải ngoài dụng cụ cần thiết như: Dây đeo an toàn; túi đựng dụng cụ cầm tay với cơ lê choòng, mỏ lết, vài bộ bu lông, long - đen, vật tư nhỏ lẻ; sổ ghi chép… thì gạo, ngô, khoai hay lương khô là những thứ không thể thiếu. Khó khăn khi khắc phục sự cố thì chỗ nào cũng có, nhưng chỗ ăn, chỗ ở tạm thì luôn là vấn đề “nóng”, không ít anh em bị muỗi rừng đốt, vắt, rắn cắn.

Công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải thời bao cấp quả thật rất vất vả vì thiếu phương tiện, thiết bị, vật tư, lương thực… Công nhân đường dây cũng chẳng khác gì bộ đội. Do phải di chuyển nhiều, nên cũng đánh kẻng làm hiệu lệnh, đi đến đâu mang tem phiếu theo. Nhiều chỗ có tem phiếu, nhưng không mua được gạo hay thức ăn, anh em phải mang ngô, gạo góp vào nấu chung. Tranh thủ cả lúc nghỉ đi kiếm củi, hái rau rừng. Công việc đã vất vả, lại còn phải lo ăn, lo nghỉ nên càng vất vả hơn. Đi lại thời đó cũng rất gian nan, xin mãi mới được 1 chuyến xe, đường xấu, đi từ Hà Nội vào Thanh Hóa mất 3 ngày.

“Bây giờ, điều kiện làm việc của công nhân quản lý sửa chữa đường dây được cải thiện rất nhiều, thiết bị được đại tu sửa chữa thường xuyên, trạm biến áp được trang bị tiên tiến nên anh em công nhân cũng nhàn hơn. Trước đây, khi thay một quả sứ phải vác một cái gông rất nặng, giờ anh em được trang bị tilefo rất nhẹ nhàng.” Ông Nha chia sẻ.

Tuy khó khăn gian khổ trong truyền tải điện vẫn còn nhiều, nhưng ông Nha vẫn muốn con cái theo nghề của mình. Hiện gia đình ông có 4 người con đang làm việc trong ngành Điện, trong đó có 2 người làm việc ở lĩnh vực truyền tải điện.

Chia sẻ về việc vì sao làm trong ngành Điện gian nan vất vả như vậy mà ông vẫn định hướng cho các con mình theo ngành, ông Nha chia sẻ: “Bố tôi cũng làm tại Nh máy điện Hà Nội, rồi đến tôi, nên tôi muốn con cái mình tiếp tục theo ngành nghề mà cha ông đã làm. Nghề này đòi hỏi phải vượt khó khăn, phải yêu ngành, yêu nghề mới có thể tồn tại được, nhất là công việc quản lý và vận hành đường dây tải điện - công việc thầm lặng, nhưng trách nhiệm rất nặng nề. Song bù lại là niềm tự hào của tất cả chúng  tôi vì đã được góp sức quan trọng cho “thành thị rực rỡ đèn hoa, bản làng chan hòa ánh sáng”…


  • 23/01/2015 10:00
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3449


Gửi nhận xét