Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 800%, kéo theo đó là giá điện tăng gấp 5 lần, cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng năm nay nghiêm trọng như thế nào ở châu lục. Với những tháng lạnh nhất mùa đông còn ở phía trước, trong khi Nga không tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu, tương lai vẫn rất ảm đạm. Tất cả những điều này có nguy cơ để lại những vết sẹo lâu dài cho nền công nghiệp châu Âu.
"Đây là một cuộc khủng hoảng quốc gia", Nigel Pocklington, giám đốc điều hành Good Energy, một trong những nhà cung cấp năng lượng xanh lớn nhất của Anh, nói. "Giá bán buôn khí đốt và điện đã tăng lên mức chưa từng có trong ba tuần qua, gây khó khăn cực lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này".
Nhiều chuyên gia đánh giá sau đại dịch Covid-19, năng lượng là cuộc khủng hoảng tiếp theo châu Âu phải đối mặt. Tại Hà Lan, giá xăng đã chạm mức 180 USD một thùng, tăng gấp 5 lần trong 6 tháng.
Tình trạng này diễn ra một phần bởi thông tin rằng Nga đã chuyển dòng khí đốt từ đường ống chính ở châu Âu sang đường ống hướng về phía đông qua Ba Lan. Giới phân tích đang tìm hiểu nguyên nhân, có thể đây là một động thái chính trị, nhưng cũng có thể Nga cũng đang phải dự trữ khí đốt đối phó với cái lạnh -20 độ C.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẽ cung cấp nhiều khí đốt hơn cho châu Âu, song lời hứa này vẫn chưa thành hiện thực. Áp lực với thị trường năng lượng châu Âu càng tăng do căng thẳng giữa phương Tây và Nga liên quan đến vấn đề Ukraine.
Mỹ và các đồng minh châu Âu cho rằng Nga đang dồn quân đến biên giới nhằm lên kế hoạch tấn công Ukraine, nhưng Moskva phủ nhận, cho rằng đây là cáo buộc "cuồng loạn". Châu Âu hiện vẫn phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga, chiếm 35% nguồn cung của cả khu vực.
Ngay cả ở Pháp, quốc gia có nguồn cung năng lượng hạt nhân dồi dào, cũng đối mặt tình trạng thiếu điện. Trong 56 lò phản ứng điện hạt nhân của nước này, 15 lò đã ngừng hoạt động để bảo trì vào ngày 22/12, theo tờ Les Echos.
Pháp thường là nước xuất khẩu điện, nhưng hiện buộc phải nhập khẩu và thậm chí phải đốt dầu làm nhiên liệu. Cuộc khủng hoảng xảy ra sau khi công ty điện hạt nhân EDF thông báo họ sẽ dừng 4 lò phản ứng, chiếm 10% công suất của quốc gia, sau khi xuất hiện một sự cố cần bảo trì. Gần 1/3 nhà máy điện hạt nhân Pháp sẽ ngừng hoạt động vào đầu năm sau. Đức cũng lên kế hoạch giảm gần 50% công suất điện hạt nhân trước khi kết thúc năm 2022.
Với chi phí năng lượng liên tục tăng vọt lên mức kỷ lục, căng thẳng tài chính đang gia tăng đối với nhiều ngành công nghiệp của châu Âu, trong đó có kim loại và phân bón.
Giá khí đốt bán buôn tại Anh tăng hơn 400% trong 9 tháng đầu năm, khiến khoảng 26 nhà cung cấp năng lượng nước này phá sản, nhiều công ty tạm ngừng hoạt động vì không có nhiên liệu.
"Giá khí đốt tăng, cả với hộ gia đình và doanh nghiệp, sẽ tác động lớn tới mọi hoạt động", Sarah Hewin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Âu và châu Mỹ tại Standard Chartered, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg. "Đợt tăng giá khí đốt mới nhất rõ ràng là diễn biến tiêu cực đối với triển vọng của tất cả các nền kinh tế châu Âu".
Sản xuất nhôm là một trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng nhất. Giá điện tăng cao buộc Aluminium Dunkerque, nhà luyện kim hàng đầu châu Âu, trụ sở tại Pháp, phải cắt giảm sản lượng khoảng 3%. Dunkerque cho hay đã lỗ khoảng 22,6 triệu USD kể từ đầu tháng 11 và công ty có thể sẽ phải cắt giảm sản lượng hơn nữa nếu giá điện vẫn duy trì ở mức cao.
Nhà máy Nyrstar của công ty Trafigura cũng thông báo sẽ dừng sản xuất kẽm tại Pháp vào đầu tháng một năm sau.
Khủng hoảng năng lượng còn tạo ra mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng thực phẩm. Azomures, nhà sản xuất phân bón hàng đầu Romania, trực thuộc nhà kinh doanh ngũ cốc Thụy Sĩ Ameropa AG, tuần trước cho biết các cơ sở của họ đã bắt đầu đóng cửa, bởi biết rằng nông dân không thể mua nổi phân bón khi giá thành bị đẩy lên quá cao.
Nhà sản xuất phân bón Yara International của Na Uy cũng đã cắt giảm sản lượng hồi đầu năm và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình để điều chỉnh sản lượng khi cần thiết.
Cuộc khủng hoảng năng lượng "cuối cùng sẽ tác động tới giá thực phẩm và nó sẽ gây ảnh hưởng không chỉ tới châu Âu mà còn rất nhiều quốc gia khác", Anne-Sophie Corbeau, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, nhận xét.
Nếu giá điện, xăng, khí đốt tiếp tục tăng cao như hiện nay, hàng triệu người dân trên khắp châu Âu, đặc biệt là người nghèo, sẽ không đủ khả năng chi trả hóa đơn phục vụ nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá này.
Nghiên cứu hồi tháng 10 do Stefan Bouzarovski, giáo sư tại Đại học Manchester, thực hiện cho thấy trước đại dịch, có tới 80 triệu hộ gia đình ở châu Âu phải chật vật trang trải chi phí sưởi ấm cho ngôi nhà trong mùa đông.
Giờ đây, giá cả tăng cao sẽ khiến nhiều hộ gia đình hơn phải đối diện nguy cơ bị cắt điện và khí đốt vì không thể thanh toán hóa đơn. Nhiều người trở nên dễ bị tổn thương vì thu nhập của họ vốn đã bị giảm trong đại dịch. Lao động trong lĩnh vực bán lẻ, khách sạn và hàng không là những người bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí nhiều người đã mất việc làm.
"Nguy cơ rơi vào tình trạng đói năng lượng ở các nước châu Âu cao gấp đôi nguy cơ nghèo đói nói chung", Bouzarovski cho hay. Theo ông, khoảng 20-30% dân số châu Âu đang phải đối mặt tình trạng nghèo đói, trong khi tới 60% phải chịu cảnh đói năng lượng ở một số quốc gia.
Giới chuyên gia và các nhà vận động cho rằng Liên minh châu Âu (EU) nên ra luật cấm nhà cung cấp cắt điện hộ gia đình trong ngắn hạn, khi mùa đông lạnh giá tới gần. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng tăng giá năng lượng đột biến trong dài hạn, giảm phụ thuộc vào khí đốt và sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn mới là cách làm bền vững.
"Không rõ vì sao chúng ta chưa có lệnh cấm cắt điện trên toàn EU", Bouzarovski nói, thêm rằng việc thực thi lệnh cấm có thể được thực hiện tương tự cách khối này bỏ phí chuyển vùng điện thoại di động.
"Chúng ta nên xem quyền tiếp cận năng lượng như là một quyền con người, giống như với nước sạch vậy", Martha Myers, nhà vận động về công lý khí hậu và năng lượng tại tổ chức Bạn của Trái Đất khu vực châu Âu, nhấn mạnh.
Link gốc
Theo vnexpress.net
Share