Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV), Bộ Công Thương cho biết: Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019.
Dự án thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa chương trình VNEEP3 đạt được các mục tiêu đề ra.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp của Việt Nam còn khá lớn - Ảnh: Ng.Tuấn. |
Dự án gồm 3 hợp phần chính: Hợp phần 1: Xây dựng năng lực phát triển dự án đầu tư TK&HQNL trong công nghiệp; Hợp phần 2: Xác định các dự án đầu tư TK&HQNL trong công nghiệp (giai đoạn thí điểm I); Hợp phần 3: Hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư TK&HQNL trong công nghiệp (giai đoạn thí điểm II).
Ông Kim Jinoh, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam cho biết, KOICA - cơ quan phụ trách viện trợ ODA của Chính phủ Hàn Quốc, đã làm việc với Bộ Công Thương và các bên liên quan nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công chương trình VNEEP.
Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp triển khai thực hiện.
Dự án tập trung vào việc hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các đơn vị cung cấp dịch vụ năng lượng (gồm các công ty dịch vụ năng lượng và các trung tâm tiết kiệm năng lượng, gọi tắt là ESCO) và các cán bộ quản lý nhà nước liên quan, thông qua hình thức đào tạo, thực hành tại các dự án thí điểm.
Thông qua việc đánh giá, tìm hiểu công nghệ tiết kiệm năng lượng của 2.409 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, Dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc. Các doanh nghiệp này thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Giấy, thức ăn chăn nuôi, thép, xi măng, hóa chất…
Theo đó, đã có 108 giải pháp tiết kiệm năng lượng được đề xuất. Qua thực hiện các giải pháp, các doanh nghiệp có tiềm năng tiết kiệm chi phí khoảng 78 nghìn USD/năm (tỷ lệ tiết kiệm 4,8% tổng tiêu thụ năng lượng), với mức đầu tư dự kiến gần 200 nghìn USD, thời gian hoàn vốn 2,6 năm, cắt giảm 606 nghìn tấn CO2/năm.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cũng đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai dịch vụ tiết kiệm năng lượng ESCO, cũng như các nguồn tài chính mà doanh nghiệp có thể tiếp cận để đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng với sự tham gia của các ngân hàng thương mại BIDV, VCB, Techcombank…
Ngọc Tuấn
Share