CMIS là cả thanh xuân
Kết quả này không dành cho một cá nhân nào mà là nỗ lực của toàn bộ cán bộ làm công tác kinh doanh trong ngành Điện, đặc biệt là những kỹ sư trẻ thuộc Trung tâm phát triển phần mềm, Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT).
Anh Hà Phi Toàn - Tổ trưởng Tổ triển khai lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, phòng Triển khai phần mềm chia sẻ, nhiều người trong nhóm đã chọn và gắn bó hàng chục năm với CMIS như anh.
Các kỹ sư dự án CMIS luôn tập trung cao độ trong công việc.
|
Anh Toàn đến với CMIS như một cái duyên bởi khi vừa ra trường, chân ướt chân ráo, anh trúng tuyển vào công ty và trực tiếp làm ở dự án CMIS. Lúc mới vào, CMIS 1.0 không riêng gì anh mà đa phần nhân sự trong nhóm đều lạ lẫm, bởi ngành Điện là lĩnh vực rất chuyên biệt. Để hiểu và làm thuần thục từng quy trình nghiệp vụ trong CMIS, các anh đã phải lăn lộn, học hỏi kiến thức chuyên môn cũng như thực tế gần 3 năm.
Đến nay, sau 15 năm, anh Toàn đã hiểu về CMIS tường tận và cặn kẽ. Anh nói, đặc điểm "dễ nhận diện" của người gắn bó với CMIS dù ở EVNICT hay các đơn vị điện lực đều sẽ lại say sưa nói về CMIS như một đam mê.
Hơn 15 năm gắn bó với CMIS, ấn tượng nhất đối với anh Trần Nam Nghĩa - chuyên viên phân tích nghiệp vụ là những lần đi triển khai ở các đơn vị. Dù có những lúc gặp sự cố, hệ thống hoạt động không như mong muốn thì đối với những kỹ sư trẻ như Nghĩa, đó là một lần vượt qua nỗi sợ, để hiểu và tìm cách cải tiến phần mềm. Quá trình lăn lộn với dự án CMIS, anh đã cùng các đồng nghiệp của mình trải qua nhiều kỷ niệm khó quên.
Trong đó kỷ niệm làm anh Nghĩa nhờ nhất là ngày 31/12/2021, khi EVN tiến hành giảm giá điện hỗ trợ COVID-19 cho đợt hóa đơn đã phát sinh nên phải làm hóa đơn điều chỉnh. Liên tục trong 3 ngày, các kỹ sư của dự án CMIS cùng với các cán bộ nghiệp vụ của các đơn vị phải ngồi làm việc xuyên đêm, mỗi ngày chỉ chợp mắt một chút. Sau khi hoàn thành, anh em như trút được gánh nặng, cảm giác sảng khoái không diễn tả thành lời trước thềm năm mới.
Còn đối với anh Nguyễn Trung Dũng - Phó phòng Phát triển phần mềm, các kỹ sư làm ở dự án CMIS luôn phải thích ứng và chuẩn bị tâm thế cho việc thêm hoặc thay đổi quy trình nghiệp vụ. Nhất là trước mỗi đợt đổi giá điện, anh em kỹ sư phải lập các bảng giá do thay đổi cấu trúc bảng giá, sau đó phải test thử nên thường 9,10 giờ tối mới xong việc.
"Sau khi hoàn thiện, khối nghiệp vụ sẽ triển khai hướng dẫn đến các đơn vị điện lực trong một thời gian rất ngắn. Khối lượng công việc nhiều, thời gian gấp gáp, lại không được sai sót, anh em phải căng mình ra để hoàn thành đúng tiến độ" - Anh Dũng tâm sự và khẳng định, để gắn bó với CMIS, ngoài liên tục trau dồi kiến thức, sự cần mẫn, người kỹ sư phải có cả đam mê, hết mình cho công việc.
CMIS 4.0 và khát vọng hiện thực hóa công cuộc chuyển đổi số của EVN
EVN đặt mục tiêu “cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025”. Trong đó, việc nâng cấp CMIS từ 3.0 lên 4.0 là bước đột phá đồng bộ với quá trình chuyển đổi số của EVN nhằm tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng. Đây sẽ là phần mềm lõi, là kênh cung cấp dịch vụ ra bên ngoài, giúp EVN phát triển theo hướng điện tử hóa giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt, thiết lập các hệ thống đảm bảo cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4, kết nối cổng dịch vụ công Quốc gia, số hóa toàn bộ giao dịch với khách hàng.
Anh Nguyễn Trung Dũng - Đại diện EVNICT nhận giải Sao Khuê cho Hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư Cổng Dịch vụ công Quốc gia và kết nối nền tảng số của các Tỉnh/Thành phố của EVN ở lĩnh vực Công dân số.
|
Triển khai CMIS 4.0 với việc nâng cấp và xây dựng mới 15 phân hệ, 387 tính năng, 250 báo cáo cho 107 Công ty Điện lực và 621 Điện lực trực thuộc triển khai ứng dụng thật sự là khối lượng công việc khổng lồ.
Với nhân sự hiện tại dự án CMIS có khoảng 20 người, 4 bộ phận là phân tích nghiệp vụ, thiết kế, kiểm thử, triển khai, anh Dũng cho biết, nhóm đã phải căng mình ra làm đêm, làm ngày, thậm chí cả ngày nghỉ để kịp tiến độ công việc. Càng lúc khó khăn, áp lực lại càng thấy tinh thần quyết tâm và nhiệt huyết, đoàn kết của nhóm, phấn đấu đạt tiến độ đề ra.
Thế hệ đi trước như anh Dũng, anh Toàn, anh Nghĩa cũng chịu trách nhiệm đào tạo cho lớp kỹ sư trẻ tiếp nối công việc để CMIS ngày càng phát triển. Chị Nguyễn Lan Anh - Chuyên viên kiểm thử, Phòng Nghiệp vụ kiểm thử cho biết, là thế hệ mới gia nhập "ngôi nhà chung" CMIS, chứng kiến niềm yêu nghề, đam mê nhiệt huyết với công việc của các anh chị trong dự án, chị có niềm tin sẽ gắn bó lâu dài với dự án. Chính bởi vậy, dù CMIS là phần mềm có nghiệp vụ rất khó, nhiều phân hệ, phức tạp, nhưng vượt qua những bỡ ngỡ, Lan Anh đã trau dồi kiến thức để vững vàng và chủ động hơn trong công việc.
Qua gần 20 năm phát triển, CMIS đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng, trong đó có 2 giải Sao Khuê do Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trao tặng, đó là Sao Khuê năm 2006 (phiên bản CMIS 1.0), Sao Khuê 2011 (phiên bản CMIS 2.0). Các phân hệ trong CMIS cũng đạt giải Sao Khuê như Hệ thống quản lý hóa đơn điện tử đạt giải năm 2014; Giải pháp phần mềm Cung cấp dịch vụ Điện theo phương thức giao diện điện tử EVN đạt giải năm 2020; Hệ thống tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư, cổng Dịch vụ công Quốc gia và kết nối nền tảng số của các Tỉnh/Thành phố (EVNConnect) đạt giải năm 2023 và nhiều giải thưởng khác do các bộ/ban ngành trao tặng.
Đến nay, hệ sinh thái EVNConnect của EVN - dữ liệu dựa trên nền tảng CMIS là chủ yếu cũng đã kết nối với nhiều bộ/ngành/địa phương, cung cấp dịch vụ điện trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kết nối truyền nhận dữ liệu với Cổng thông tin hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế.