Chủ động ở mức cao nhất để ứng phó với bão số 6

Bão số 6 (TRAMI) là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng vào khu vực miền Trung trong năm nay. Đường đi và diễn biến còn phức tạp, có thể gây mưa lớn trong những ngày tới.

Chiều 25/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận về công tác ứng phó với bão số 6 (Bão TRAMI). 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến bàn về công tác ứng phó với bão số 6

Bão TRAMI liên tục thay đổi hướng đi

Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, trước khi vào Biển Đông, bão đã thay đổi hướng liên tục và gây ra lượng mưa lớn ở phía bắc đảo Luzon, Philippin. Lúc 14 giờ ngày 25/10, bão số 6 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía đông, cường độ cấp 10, giật cấp 13; hoàn lưu rất rộng. Vùng gió mạnh cấp 8 bán kính khoảng 250km nên tâm bão chưa đến nhưng mưa và gió mạnh đã bắt đầu có những tác động.

Trước đó 2 ngày, các cơ quan quốc tế đã dự báo cơn bão sẽ đi vào vùng biển miền Trung nước ta, với cường độ mạnh nhất cấp 12 - cấp 13.

“Chiều 26/10, bão sẽ di chuyển đến phía bắc quần đảo Hoàng Sa, cường độ cấp 12, giật 15. Đến chiều và đêm 27/10, bão sẽ nằm trên khu vực vùng biển Quảng Bình - Quảng Ngãi", ông Khiêm nhận định.

Theo đó, vùng biển bắc Biển Đông có thể gió cấp 12, giật cấp 15, sóng biển cao 5 - 7m, vùng gần tâm bão 7 - 9m. Gần sáng 27/10, vùng biển ngoài khơi Quảng Bình - Quảng Ngãi có gió mạnh 8 - cấp 9, vùng gần tâm bão gió cấp 10 - cấp 11, giật cấp 14.

Đây là cơn bão có tính phức tạp. Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão có khả năng xảy ra 2 "kịch bản". Một là, bão đi vào gần đất liền và quay lại ra biển. Ven biển Quảng Trị - Quảng Ngãi sẽ có gió cấp 6 - 8, giật cấp 10. Hai là, bão đi sâu hơn trong đất liền, khu vực miền Trung sẽ có gió cấp 7 - 9, giật cấp 11 - 12. Trọng tâm lưu ý là các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

Bão số 6 sẽ gây ra lượng mưa rất lớn, thời gian hoàn lưu tác động đến đất liền có thể trên 1 ngày. Vì vậy, khu vực Trung Trung bộ có nguy cơ xảy ra mưa trên diện rộng, các tỉnh từ Quảng Trị - Quảng Ngãi có mưa 300 - 500mm, có nơi trên 700mm, nguy cơ mưa cường suất lớn trong 3 giờ trên 100mm. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, khu vực Bắc Tây Nguyên mưa từ 100 - 200mm, có nơi trên 300mm.

Cần có biện pháp để phòng nguy cơ lũ trên các sông khu vực Trung bộ gồm: Sông Hương, sông Vu Gia, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc,...  cũng như tình trạng ngập lụt, úng ngập tại 2 thành phố lớn như Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế.

"Ở ngoài khơi ở Philippines vừa có một cơn bão hình thành, nó sẽ làm đường đi của bão số 6 rất kỳ dị. Vì vậy, trong ngày 26 - 27/10, dự báo hướng đi của bão số 6 còn tiếp tục thay đổi", ông Khiêm lưu ý.

Chương trình họp trực tuyến kết nối với các tỉnh ven biển miền Trung 

Các phương án đã triển khai để phòng chống bão TRAMI

Theo báo cáo của các địa phương tại cuộc họp, các tỉnh ven biển đã kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu đảm bảo an toàn.

Các địa phương cũng kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven biển, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công, trong đó sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với cường độ mạnh hơn thiết kế; tổ chức chặt tỉa cành cây, gia cố nhà ở, công trình, biển hiệu quảng cáo, hệ thống lưới điện.

Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cũng lên phương án phối hợp chặt chẽ điều hành, vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đảm bảo an toàn cho công trình, an toàn cho hạ du. Đồng thời tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn đã ban hành Công điện số 5990/CĐ-EVN ngày 24/10/2024, về việc chủ động ứng phó với bão TRÀ MI và mưa lũ. Công điện gửi các Công ty Thủy điện: Ialy, Sê San, Trị An; Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4; các Ban Quản lý dự án điện: 1, 2, 3; các Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3; Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; Các Tổng công ty Điện lực: miền Trung, miền Nam; Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ Thông tin; Trung tâm Thông tin Điện lực.

Trong đó, EVN yêu cầu các đơn vị thành viên chủ động có các biện pháp ứng phó kịp thời, không được chủ quan, khẩn trương kiểm tra, chuẩn bị ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất cấp điện trở lại cho Nhân dân; Phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong phát quang hành lang tuyến, tuyên truyền an toàn điện trong mùa mưa bão và ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để cung cấp, đăng tải thông tin đầy đủ, chính xác; Đối với đơn vị bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai phải cập nhật báo cáo, số liệu lên trang web https://phongchongthientai.evn.com.vn trước 7h00 và 15h00 hàng ngày…

 Tuyệt đối không chủ quan

Tại cuộc họp ứng phó bão số 6 đã cho thấy tinh thần chủ động cao của các Bộ, ban ngành, các tỉnh chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, bão số 6 là cơn bão có nhiều hướng di chuyển phức tạp, thời gian lưu bão trên biển lâu. Dự báo, bão sẽ gây lượng mưa rất lớn có nguy cơ gây ra kịch bản lụt như năm 2020. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan, đồng thời cần chủ động cao trong công tác ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. 

“Địa phương thông tin tuyên truyền đến người dân đầy đủ nhất có thể. Tránh như cơn bão số 3, dự báo rất sát nhưng người dân còn tâm lý chủ quan. Các địa phương cần nghiên cứu cấm biển dài hơn vì đây là cơn bão có sóng lớn, có khả năng vào rồi quay ra”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị rút kinh nghiệm từ bão số 3, các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão số 6 cần rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu ở khe sông, khe suối, cửa sông, ven biển với phương châm tính mạng con người là trên hết. Các địa phương cần phải có tất cả kịch bản, phương án để không bị bất ngờ, bị động trong bất kỳ tình huống nào.


  • 25/10/2024 07:56
  • Thanh Hương
  • 2865