Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão

Sáng 29/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã họp nhanh về phương án ứng phó áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão. Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp

Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển nhanh và tiếp tục mạnh lên. Ông Khiêm cũng nhận định rằng, áp thấp nhiệt đới tương tự như cơn bão Damrey hồi tháng 11/2017 đổ bộ vào Khánh Hòa gây gió mạnh và mưa rất lớn, nên các địa phương không được chủ quan.

Khoảng chiều tối 30/10, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền các tỉnh, TP khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đây là cơn áp thấp nhiệt đới có tính chất rất phức tạp, nguy hiểm do tác động của dải hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh.

Từ ngày 31/10 đến 2/11, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 200-300 mm/đợt, riêng các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 300-500 mm/đợt.

Về tình hình các hồ thủy điện, thủy lợi hiện nay, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi cho biết các hồ thủy điện khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đang vận hành bình thường, không có hồ chứa xả tràn. Mức nước các hồ chứa Nam Trung Bộ đang ở mức rất thấp.

Với các hồ chứa thủy lợi, hiện có 118 hồ chứa xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, 72 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp.

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo việc cấp thiết nhất hiện nay là phải kêu gọi các tàu thuyền đang nằm trong vùng nguy hiểm di chuyển vào khu vực an toàn và có phương án bảo vệ ngay ô lồng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Các địa phương phải kiên quyết di chuyển người ra khỏi lồng bè. Các tỉnh có thể cấm biển và các hoạt động du lịch trên biển ngay từ chiều tối nay; chú ý cảnh báo tàu thuyền vãng lai và du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, các tỉnh đặc biệt chú ý phương án phòng, chống ngập lụt, sơ tán dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất. Chuẩn bị nhu yếu phẩm đề phòng úng ngập lâu dài, bảo đảm an toàn cho học sinh; bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện…

Bộ trưởng cũng giao Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Thủy sản tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn các địa phương kỹ thuật bảo đảm an toàn các hồ chứa, chằng chéo ô lồng nuôi trồng thủy sản trên biển. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có công điện số  5842/EVN-AT ngày 28/10/2019 gửi các đơn vị trực thuộc ứng phó áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão.

 Xem chi tiết tại đây


  • 29/10/2019 01:47
  • Trương Hưng
  • 6424