Tham dự Hội nghị có các Thành viên HĐTV EVN, các Phó Tổng giám đốc EVN, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc các Tổng công ty trực thuộc Tập đoàn, lãnh đạo Ban QLDA Điện 1,2,3 và lãnh đạo các Công ty tư vấn thuộc Tập đoàn.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành (đứng) và Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân chủ trì Hội nghị
|
Nhiều thách thức trong đầu tư - xây dựng
Ông Ninh Viết Định – Trưởng ban Quản lý Xây dựng (EVN) cho biết: Giai đoạn 2021-2025, Tập đoàn đặt mục tiêu khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 8.240MW, hoàn thành 8 dự án với tổng công suất 5.840MW; hoàn thành 1.432 dự án lưới điện 110-500kV. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, đảm bảo tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Tổng nhu cầu đầu tư giai đoạn này khoảng 671.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá, việc đầu tư xây dựng các dự án điện sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sẽ ngày càng khó khăn, nhất là giai đoạn sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, nhưng chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn.
Cùng với đó, việc hạn chế về trần nợ công nên việc thu xếp vốn cho các dự án điện của EVN không còn được Chính phủ bảo lãnh. Việc vay vốn thương mại trong nước bị hạn chế bởi giới hạn tín dụng... Quá trình đầu tư xây dựng được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, nhưng còn thiếu sự kết nối, liên thông với các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường… dẫn đến phương án triển khai thực hiện mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, đặc biệt các dự án trọng điểm, cấp bách.
Một số quy định về đầu tư xây dựng còn thiếu tính thống nhất, chưa rõ ràng, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tế dự án (vướng mắc giữa Luật đầu tư, Luật Xây dựng, Luật quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công...)
Công tác đền bù GPMB các dự án điện ngày càng phức tạp, đặc biệt các vướng mắc về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc đất và bất cập về đơn giá bồi thường, chồng lấn quy hoạch dự án điện với quy hoạch hạ tầng các địa phương...
Công tác quản lý đất đai ở các địa phương còn nhiều tồn tại, làm kéo dài thời gian lập phương án bồi thường và bàn giao mặt bằng; việc thay đổi chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên dẫn đến mất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, hướng dẫn chuyển đổi các quy trình, quy phạm, phương án thực hiện.
Toàn cảnh Hội nghị
|
9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết: Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu điện tiếp tục tăng trưởng ở mức cao trong các năm tới, đòi hỏi việc đầu tư các dự án điện cần phải được đảm bảo tiến độ. EVN được Chính phủ giao đóng vai trò chính trong việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Do đó, các dự án EVN được giao đầu tư cần được đảm bảo nghiêm ngặt tiến độ hoàn thành.
Chủ tịch HĐTV EVN yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp sau:
Thứ nhất, cải tiến công tác chuẩn bị đầu tư. Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học về phát triển nguồn phát, phụ tải và phân bổ theo khu vực, để chủ động đề xuất sớm các dự án đầu tư đồng bộ phù hợp, đồng thời có kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có chính sách điều chỉnh kịp thời. Bám sát quy định, quy trình sửa đổi của Nhà nước. Nâng cao năng lực tư vấn.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, phấn đấu 100% các gói thầu (theo quy định tại Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019) áp dụng đấu thầu qua mạng trên hệ thống đấu thầu điện tử quốc gia.
Lãnh đạo EVN trao Bằng khen của Tập đoàn cho những tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác đầu tư xây dựng giai đoạn 2016-2020
|
Thứ ba, nâng cao năng lực quản trị trong công tác thực hiện đầu tư. EVN và các đơn vị hiện nay đều đã có các Ban QLDA chuyên nghiệp và hiện Tập đoàn đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực các Ban QLDA, đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Đề án để nâng cao năng lực quản lý dự án đầu tư; hoàn thiện nhiệm vụ chức năng các phòng, Ban điều hành dự án và vai trò của chủ nhiệm dự án.
Thứ tư, quyết liệt thực hiện quyết toán các dự án sau khi hoàn thành.
Thứ năm, chủ động thu xếp vốn cho các dự án đầu tư xây dựng. Đa dạng hoá nguồn huy động vốn cho đầu tư xây dựng: vốn tự có, vay thương mại trong nước, từ các tổ chức tài chính nước ngoài; đa dạng hóa cả về hình thức và phương thức huy động vốn.
Thứ sáu, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong các hoạt động thiết kế, lập dự án đầu tư, giám sát thi công các công trình, nhằm nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao năng suất lao động của các đơn vị. Triển khai đồng bộ các module giám sát online, camera giám sát, nhật ký điện tử; kiểm soát toàn bộ quá trình thi công dự án và các hoạt động tại công trường.
Thứ bảy, nâng cao ý thức và trách nhiệm trong công tác đảm bảo môi trường và an toàn lao động. Thiết lập và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, giám sát công tác đảm bảo môi trường, phòng chống cháy nổ và an ninh trật tự xã hội tại các công trường xây dựng.
Thứ tám, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Việc thực hiện các dự án đầu tư càng ngày càng nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi lãnh đạo các đơn vị, nhất là người đứng đầu, phải thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, trực tiếp tham gia tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Thứ chín, chủ động tạo hành lang pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho công tác đầu tư xây dựng. Yêu cầu các đơn vị tiếp tục nghiên cứu đề xuất thêm nhiều giải pháp, cách làm hay và hiệu quả, đồng thời phải chủ động, quyết liệt hành động.
Lãnh đạo EVN trao Bằng khen của Tập đoàn cho những cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác đầu tư - xây dựng giai đoạn 2016-2020
|
Huyền Thương
Share