Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, trước khi điều chỉnh giá từ ngày 4/5/2023, thì giá điện đã được điều chỉnh từ năm 2019. Từ đó đến nay, chi phí sản xuất điện đều biến động theo hướng tăng lên. Nếu tính từ năm 2019 đến 2022, lạm phát luỹ tiến đã tăng khoảng 10%. Nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện tăng lên khoảng 20,3%. Năm 2022, giá than nhập khẩu về pha trộn với than trong nước để sản xuất điện tăng gấp 6 lần so với năm 2020. Nếu so với năm 2021 là tăng 2,6 lần.
Ông Nguyễn Tiến Thoả mong muốn, người dân có thể chia sẻ với những khó khăn khách quan mà EVN đang phải đối mặt. Giá thành điện của EVN đã kiểm toán năm 2022 cho thấy tăng so với 2021 là 9,27%. Do đó, nếu không có sự điều chỉnh giá theo nguyên tắc bù đắp chi phí cho đơn vị sản xuất thì dòng tiền của EVN sẽ bị "ngắt". EVN sẽ không có đủ điều kiện để tiếp tục sản xuất kinh doanh và cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Tiến Thoả phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến về giá điện do Báo Thanh niên tổ chức. Ảnh: Báo Thanh niên
|
Trước câu hỏi “Điều chỉnh giá điện có đúng với quy định của pháp luật hay không?”, ông Nguyễn Tiến Thoả khẳng định thực hiện đúng theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong việc điều chỉnh giá điện vừa qua, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN đã điều chỉnh giá điện thận trọng, hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
“Theo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN do Bộ Công Thương công bố, năm 2022, giá thành sản xuất kinh doanh điện tăng 9,27% so với năm 2021. Như vậy, việc điều chỉnh giá điện chỉ bằng 1/3 giá thành sản xuất kinh doanh chính là sự chia sẻ của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đối với người tiêu dùng”, ông Nguyễn Tiến Thoả nhấn mạnh.
Với mức điều chỉnh giá điện tăng 3%, mỗi hộ gia đình bình quân tăng thêm 56 đồng/1 kWh. Tác động đến các ngành nghề khác trong nền kinh tế khoảng 0,18%. Trong đó ngành sản xuất cần nhiều điện như thép thì làm tăng giá thành của ngành thép lên 0,18%; ngành xi măng tăng lên 0,45%; ngành dệt may là 0,4%. Ông Nguyễn Tiến Thoả đánh giá, đây là mức tác động không lớn. Còn đối với hộ tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng, tiền điện tăng thêm là 2.500 đồng/hộ. Đối với nhóm khách hàng sử dụng từ 101-200 kWh mỗi tháng - nhóm đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khách hàng sử dụng điện sinh hoạt - thì tiền điện tăng thêm hằng tháng là 11.100 đồng/hộ.