Chuyển dịch năng lượng công bằng - Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam?

Là chủ đề của hội thảo diễn ra ngày 20/9 tại Hà Nội do Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức cùng Tổ chức hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam phối hợp thực hiện, xoay quanh góc nhìn của Đức và Việt Nam về nhu cầu lao động và kỹ năng của người lao động trong ngành năng lượng.

Hội thảo thu hút trên 200 đại biểu tham gia trực tiếp và đông đảo đại biểu tham gia trực tuyến đến từ các cơ quan hữu quan như: Quốc hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Việc làm Đức, Viện Tương lai Bền vững – Đại học Công nghệ Sydney và các đại diện khu vực tư nhân.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đinh Thế Phúc - Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự hội thảo, đồng thời trực tiếp là diễn giả tại chuyên đề thảo luận về "Khai thác toàn diện tiềm năng của chuyển dịch năng lượng và việc làm công bằng ở Việt Nam".

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, phát biểu tại hội thảo

Tại buổi khai mạc sáng nay, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những đóng góp và sự hỗ trợ ở nhiều mặt của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức đối với ngành năng lượng Việt Nam.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam sẽ tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050, đồng hành với cam kết chuyển dịch năng lượng công bằng, mang lại những cơ hội to lớn và sự phát triển bền vững, qua đó tạo ra thị trường việc làm chất lượng cao, phát triển lực lượng lao động đáp ứng đủ chuyên môn cho ngành năng lượng, hiện thực hóa các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.

Ông Đinh Thế Phúc, Thành viên Hội đồng Thành viên EVN (thứ tư từ phải qua) tham dự lễ khai mạc, đồng thời trực tiếp là diễn giả tại hội thảo.

Trong phiên thảo luận tập trung buổi sáng, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ những câu chuyện về chuyển dịch năng lượng trên thế giới, nêu bật các cơ chế dẫn đến thành công. Đồng thời, làm rõ tầm quan trọng của việc xây dựng, bồi đắp lực lượng lao động và xây dựng cơ chế, chính sách có tầm nhìn dài hạn để thúc đẩy sự phát triển các loại hình việc làm mới và việc làm gián tiếp liên quan đến chuyển dịch năng lượng.

Buổi chiều, các đại biểu có buổi thảo luận nhóm chuyên sâu ở 5 lĩnh vực: Năng lượng gió; Năng lượng mặt trời; Vai trò của phụ nữ trong ngành năng lượng, Hiệu quả năng lượng và Giao thông xanh.

Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng công bằng - Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam?” được đánh giá là một diễn đàn mở, năng động và hiệu quả; là nơi các chuyên gia từ Đức và Việt Nam cùng hội tụ để bàn luận về tiềm năng; cơ hội của quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng cho lực lượng lao động và nền kinh tế của Việt Nam.