Chuyển dịch năng lượng là xu hướng góp phần định hình tương lai xanh

Chuyển đổi xanh mà trọng tâm là chuyển dịch năng lượng từ các dạng truyền thống như năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng sạch là xu thế tất yếu khi nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong khi nhiều quốc gia phát triển hơn cam kết đạt mục tiêu này vào thời điểm muộn hơn. Để thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách chuyển dịch năng lượng, trong đó tập trung chủ yếu vào chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo và nghiên cứu các công nghệ mới. Các chính sách này góp phần vào nỗ lực chung toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh và phát triển bền vững của ngành năng lượng trong tương lai. Đồng thời, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo việc làm xanh.

Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, ngành năng lượng là ngành phát thải nhiều nhất trong nền kinh tế. Năm 2020 ngành này đã thải ra 347,5 triệu tấn CO2 tương đương (chiếm 66,3% tổng lượng phát thải của nền kinh tế). Do vậy, chuyển đổi xanh ở Việt Nam bắt buộc trước tiên phải chú ý đến ngành năng lượng.

Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 đã đưa ra những định hướng về chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững: “Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỉ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia”. Đây là định hướng toàn diện, tổng thể đối với việc chuyển đổi ngành năng lượng để góp phần vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, PGS.TS Tạ Minh Tuấn chia sẻ.

Trong năm 2023, Việt Nam cũng đã công bố Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, trong đó ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Quy hoạch xác định nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỉ lệ 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố JETP (tức là có sự hỗ trợ bên ngoài) mục tiêu tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo đạt 47%. Định hướng đến năm 2050 tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%...

Theo TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam, một số vấn đề đặt ra cho xu hướng chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, bao gồm: Thứ nhất, Việt Nam cần định hướng thực hiện một chiến lược phát triển hạn chế phát thải carbon trong dài hạn và trung hoà carbon vào năm 2050 phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về môi trường, chiến lược này có thể đem lại cho Việt Nam một số hiệu quả về kinh tế và tài chính vượt trội hơn nhiều so với một lộ trình carbon cao.

Thứ hai, chính sách bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam cần gắn kết chặt chẽ với chiến lược hạn chế tối đa phát thải carbon song song với xây dựng hạ tầng năng lượng bền vững, từng bước thực hiện có hiệu quả mục tiêu trung hòa về carbon vào năm 2050.

Thứ ba, tháo gỡ có các rào cản chính sách, tăng cường các nguồn lực, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ để thực hiện chiến lược giảm sâu phát thải carbon.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần làm rõ hơn mục tiêu, lộ trình, các bước cụ thể nhằm đạt được phát thải ròng bằng 0 của ngành năng lượng đến năm 2050; đánh giá tiềm năng, cơ hội, thách thức của đất nước trong việc thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) (bao gồm: Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Đan Mạch và Na Uy) khi nhóm IPG đã thông qua kế hoạch huy động nguồn lực 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam… Ngoài ra, chúng ta cũng cần những chính sách, cơ chế khuyến khích chuyển đổi năng lượng và phát triển công nghệ cao, chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế trong đầu tư vào năng lượng sạch, phát triển các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường…

Link gốc


  • 31/12/2023 04:38
  • Theo Năng lượng sạch Việt Nam
  • 7514