Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: Nhiệt điện than vẫn đóng vai trò quan trọng

"Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững" là hội thảo được Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức tại Hà Nội, sáng 13/10. Trong đó, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nhiệt điện than vẫn sẽ đóng vai trò chạy nền quan trọng đối với hệ thống điện.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, theo báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, Việt Nam đã luôn tích cực trong thực hiện các cam kết của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu (COP 21). Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng Việt Nam cần thực hiện là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, các quyết định đầu tư và chính sách phải được thực hiện để khử carbon trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, việc thực hiện các FTA thế hệ mới cũng đặt ra các yêu cầu phải thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.

Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp lớn về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam trong thời gian tới, TS. Nguyễn Đức Hiển cho hay.

Diễn đàn chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững nhận được sự quan tâm tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận về nhận diện và dự báo xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới và làm rõ những vấn đề đặt ra đối với chuyển dịch năng lượng của Việt Nam; đánh giá tác động của đại dịch COVID-– 19 và suy thoái kinh tế đến chuyển dịch năng lượng; đề xuất định hướng và các cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị…

Theo ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, nên nhìn chuyển dịch năng lượng trước tiên từ vấn đề an ninh năng lượng. Việc chuyển dịch cần được quan tâm trên 4 lĩnh vực: sự sẵn có của các nguồn năng lượng; khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng ở các vùng miền; khả năng chi trả của người dân và cuối cùng là sự chấp nhận các loại năng lượng tại các địa phương, người dân đến đâu…

Hiện nay, xu hướng của thế giới là tăng cường tỷ trọng năng lượng tái tạo, trong đó điện gió, mặt trời, khí hydro sẽ là các nguồn năng lượng trong tương lai. Tuy nhiên, dù muốn hay không, điện than vẫn sẽ đóng vai trò chạy nền quan trọng, thế giới cũng sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn điện than trong một sớm một chiều. "Với Việt Nam, việc chuyển dịch năng lượng từ sử dụng các năng lượng sơ cấp (than, dầu) sang các dạng năng lượng sạch hơn cần phải có lộ trình, nghiên cứu thay đổi thế nào, quá trình chuyển đổi ra sao, tỷ lệ các nguồn trong từng thời kỳ? Cần phải tỉnh táo và cân nhắc trên các nghiên cứu khoa học” - ông Hà Đăng Sơn nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Phạm Hoàng Lương - Giám đốc Viện khoa học công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản cho hay, hệ thống năng lượng điện của Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với thế giới và mục tiêu đặt ra phải đảm bảo cung ứng đủ phụ tải. Vì vậy, điện than vẫn là loại hình năng lượng quan trọng. Tất nhiên, trong tương lai, điện gió, điện mặt trời, hydro sẽ đóng vai trò rất chủ đạo. 

Cũng theo ông Phạm Hoàng Lương, xu hướng của thế giới chuyển dần từ điện than sang điện khí, năng lượng tái tạo như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu,… nhưng chúng ta rất lưu ý khi nào thì Việt Nam làm được. Các nhà máy nhiệt điện tại Mỹ đã vận hành 40 năm, đủ khấu hao và có thể chuyển đổi; còn như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam, các nhà máy vận hành trong 10-15 năm cần phải tính toán chuyển đổi thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế và việc cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội,… Ngoài ra, muốn chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ tích trữ là điều bắt buộc đi kèm.

Theo bà Vũ Chi Mai - Tổ chức phát triển Đức GIZ, chuyển dịch năng lượng không phải loại trừ những gì đang có mà chuyển đổi dần từ trạng thái năng lượng sơ cấp có thể cạn kiệt sang dạng năng lượng sạch hơn, với tỷ lệ lớn hơn nhằm đảm bảo đủ điện và yêu cầu của biến đổi khí hậu. Để khuyến khích năng lượng sạch, thay vì việc đưa ra giá ưu đãi FIT từ Nam tới Bắc, có thể thực hiện giá FIT theo vùng, địa phương, theo công suất lắp đặt. Nếu những vùng miền có sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu truyền tải điện, tăng thu nhập người dân thì nên có cơ chế khuyến khích phát triển điện sạch tại chỗ...


  • 13/10/2021 02:33
  • Nguyễn Thủy
  • 15271