Ông Võ Quang Lâm
|
PV: Xin ông cho biết, công tác chuyển đổi số được EVN thực hiện với định hướng như thế nào?
Ông Võ Quang Lâm: Thực tế, việc chuyển đổi số rất phức tạp và cơ bản là chưa có một con đường được dọn sẵn. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp, tổ chức phải tìm ra cách làm riêng của mình. Đối với EVN - đơn vị cung cấp dịch vụ điện cho 96 triệu dân Việt Nam, thì công tác này càng phức tạp hơn. Tuy nhiên, tại EVN, quá trình chuyển đổi số được thực hiện mạnh mẽ với quyết tâm cao của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đặc biệt là từ Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn. Cùng đó, hiện nay cũng xuất hiện nhiều công nghệ mới, phù hợp với các yêu cầu về ứng dụng CNTT của EVN.
EVN đã đặt ra 2 mục tiêu rõ ràng. Thứ nhất, chuyển đổi số hướng tới cung cấp dịch vụ điện lực một cách hiện đại, công khai, minh bạch, dễ dàng và thuận tiện cho người dân. Thứ hai, trong nội bộ EVN, phải giúp nâng cao hiệu quả SXKD, đầu tư xây dựng và quản trị Tập đoàn.
PV: Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số cần thay đổi những thứ gần gũi nhất, thiết thực nhất trước khi nghĩ đến những công việc lớn lao hơn. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Võ Quang Lâm: Trong hành trình chuyển đổi số, EVN đã chọn những phương án khả thi nhất, những công việc cụ thể, thiết thực, có thể phát huy hiệu quả ngay, để tập trung triển khai trước. Cụ thể, trong công tác kinh doanh - dịch vụ khách hàng, ngay từ năm 2012, EVN đã triển khai hoá đơn tiền điện điện tử tại TP. Hồ Chí Minh, và ngay sau đó, năm 2013 đã triển khai hóa đơn điện tử đồng loạt tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.
EVN là đơn vị đầu tiên thực hiện việc cung cấp hoá đơn điện tử cho người dân trên phạm vi toàn quốc. Và trước đó, từ năm 2004, EVN phát triển và ứng dụng Hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS), nhằm thống nhất nghiệp vụ kinh doanh trong toàn Tập đoàn. CMIS liên tục được bổ sung tính năng, đến nay, hệ thống này đã được nâng cấp lên phiên bản 3.0, là nền tảng công nghệ để EVN thực hiện cung cấp dịch vụ điện trực tuyến tương đương dịch vụ công ở cấp độ 4 - cấp độ cao nhất. Người dân ở bất cứ đâu, vào bất kì thời điểm nào trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể yêu cầu EVN phục vụ dịch vụ điện.
Với công tác quản trị Tập đoàn, trong gần 20 năm qua, hệ thống văn phòng điện tử (E-Office) đã phục vụ điều hành của lãnh đạo Tập đoàn xuyên suốt tới 100% đơn vị thành viên một cách nhanh nhất, chính xác và an toàn, bảo mật. Tại EVN, các báo cáo đang được lưu hành qua hệ thống thông tin điện tử (EVN portal), sử dụng công nghệ BI (Business Intelligence) để phân tích dữ liệu... Ngoài ra, trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, EVN còn triển khai ứng dụng 14 phần mềm dùng chung khác.
PV: Việc chuyển đổi số của EVN đem lại cho khách hàng lợi ích gì, thưa ông?
Ông Võ Quang Lâm: Như tôi đã chia sẻ ở trên, mục tiêu đầu tiên EVN đặt ra trong hành trình chuyển đổi số là hướng tới lợi ích của khách hàng. Do đó, tôi tin rằng, chính khách hàng sử dụng điện sẽ cảm nhận rõ nhất quá trình chuyển đổi số của EVN. Thực tế chứng minh, các công cụ CNTT mà EVN ứng dụng đã đưa dịch vụ của EVN phục vụ trên không gian mạng. Nhờ đó, tăng tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian EVN phục vụ khách hàng...
PV: Thưa ông, EVN đang và sẽ tiếp tục phải vượt qua những rào cản nào trong hành trình chuyển đổi số?
Ông Võ Quang Lâm: Rào cản lớn nhất chính là trình độ CNTT không đồng đều của người lao động. Chính vì vậy, khi đặt vấn đề ứng dụng bất cứ một phần mềm dùng chung trong toàn Tập đoàn thì việc phát triển phần mềm ấy phải đáp ứng 2 mục tiêu: Thứ nhất, phải sử dụng công nghệ tốt nhất; và thứ hai, phải làm sao để việc ứng dụng trở nên đơn giản nhất, thuận tiện nhất, để bất cứ người lao động ở vị trí nào của ngành Điện cũng có thể sử dụng phần mềm đó một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, EVN và các đơn vị cũng phải chú trọng tổ chức đào tạo, nâng cao kỹ năng CNTT cho CBCNV.
PV: Thực tế, những người dùng cuối sẽ góp phần quyết định hiệu quả việc ứng dụng CNTT. Ông có thông điệp nào muốn gửi tới CBCNV Tập đoàn?
Ông Võ Quang Lâm: Việc thay đổi thói quen công nghệ trong công việc hàng ngày là không hề dễ dàng. Do đó, tôi mong muốn CBCNV toàn Tập đoàn, ở bất kỳ vị trí công việc chuyên môn nào cũng sẽ không ngừng nâng cao kỹ năng CNTT, sẵn sàng đón nhận các công cụ CNTT mới, làm việc với ý thức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chuyển đổi số mạnh mẽ góp phần giúp EVN đạt được các thành tích:
- Giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc 2019
- Điểm khảo sát sự hài lòng của khách hàng tăng liên tục qua từng năm; năm 2013: 6,45/10 điểm, năm 2018: 8,1/10 điểm.
- 74% doanh nghiệp đánh giá hài lòng về chất lượng cung cấp điện năng (theo VCCI)
- Năm 2018, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam xếp hạng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới, lọt Top 4 ASEAN (theo World Bank).
Một số mục tiêu chuyển đổi số của EVN trong thời gian tới:
- Thực hiện thành công Đề án Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.
- Trong năm 2019, cung cấp 100% dịch vụ điện lực theo phương thức giao dịch điện tử.
- Năm 2020: Xem xét ứng dụng CNTT để cá nhân hoá dịch vụ khách hàng.
- Liên thông, tích hợp các hệ thống CNTT, các phần mềm dùng chung của EVN.
- Tăng cường áp dụng các công cụ phân tích dữ liệu hiện đại để hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định quản trị, điều hành doanh nghiệp.
|