Chuyên gia Hà Đăng Sơn: Các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp nên tham gia thị trường điện

Trao đổi với evn.com.vn về vấn đề giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đang được dư luận quan tâm, chuyên gia Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng các dự án này nên tham gia thị trường điện.

Chuyên gia Hà Đăng Sơn

Ông Hà Đăng Sơn: Chúng ta đã thấy, từ khi Chính phủ ban hành các giá FIT để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, tại Việt Nam đã có sự bùng nổ các dự án đầu tư điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, thực tế việc đầu tư chưa thật sự bền vững. Nhiều nhà đầu tư chạy theo trào lưu “lướt sóng” nên chưa lường hết được những khó khăn, rủi ro trong quá trình triển khai xây dựng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều cơ chế, chính sách vẫn chưa theo kịp với thực tiễn. Chính vì vậy, khi kết thúc thời hạn giá FIT, vẫn còn các dự án điện gió, điện mặt trời trong giai đoạn chuyển tiếp đang phải chờ để xác định giá bán điện.

Một trường hợp khá “nóng” trên diễn đàn báo chí vừa qua, đó là Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (Trung Nam Group) có 172MW không kịp mốc tiến độ được hưởng giá FIT nên phải ngừng huy động. Trên thực tế, không chỉ Trung Nam Group, mà còn nhiều nhà máy năng lượng tái tạo trong giai đoạn chuyển tiếp cũng chưa được huy động phát điện, do chưa có hướng dẫn cụ thể cũng như cơ chế chính sách từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

PV: Thưa ông, trong khi chờ các cơ quan quản lý nhà nước ban hành cơ chế giá mới, EVN đã đề xuất cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tham gia thị trường điện. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

Ông Hà Đăng Sơn: Tôi cho rằng, đề xuất của EVN về việc các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp tham gia thị trường điện là khá phù hợp trong thời điểm hiện nay.

Phải khẳng định rằng, hiện tại không có nhiều lựa chọn cho các nhà đầu tư.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; nhưng để có thể tính toán chính xác, thu thập được đầy đủ các số liệu và tính toán được các con số phù hợp cũng cần có thời gian; và cũng chưa biết được liệu kết quả tham chiếu về mức giá cao nhất có đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư hay không.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo cho các bên liên quan; trong đó có chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng cơ chế đấu thầu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có một đề xuất rõ ràng và mang tính khả thi cao.

Do đó, trong khi chờ các cơ chế, chính sách mới, các nhà đầu tư nên cân nhắc việc tham gia thị trường điện bởi các quy định, hướng dẫn để các dự án năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời tham gia vào thị trường điện đã có đầy đủ. Ví dụ, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 45/2018/TT-BCT năm 2018, đưa ra các hướng dẫn về tham gia thị trường điện, trong đó ở khoản 2, điều 4 nêu rõ: Nhà máy điện năng lượng tái tạo không phải thủy điện có công suất đặt lớn hơn 30MW được quyền lựa chọn tham gia thị trường điện. Mặc dù Thông tư 45/2018/TT-BCT đã được thay thế bởi Thông tư 24/2019/TT-BCT, nhưng điều điều khoản liên quan đến vấn đề tham gia thị trường điện của các dự án điện tái tạo vẫn được giữ nguyên.

Cùng với đó, EVN cho biết, sẵn sàng phối hợp với các nhà đầu tư xin ý kiến Bộ Công Thương để các nhà đầu tư năng lượng tái tạo sớm được tham gia thị trường điện.

Ngoài ra, theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, hiện mức giá trần của thị trường điện ở mức khoảng 1.600 đồng/kWh. Nếu so sánh với giá FIT, thì đây cũng là mức giá có thể chấp nhận được đối với nhà đầu tư.

Tuy nhiên, có một thách thức là các nhà đầu tư điện gió và điện mặt trời chuyển tiếp muốn tham gia thị trường điện cần có nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như đầu tư bổ sung các hệ thống thiết bị đo đếm, kết nối để đáp ứng các yêu cầu tham gia thị trường điện.

PV: Thưa ông, về lâu dài, cần làm gì để tránh lãng phí nguồn lực cho doanh nghiệp cũng như để tạo hành lang pháp lý cho EVN huy động các dự án đúng quy định?

Ông Hà Đăng Sơn: Trước tiên phải khẳng định việc này không thuộc thẩm quyền quyết định của EVN.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có các dự án năng lượng tái tạo bị chậm giá FIT tránh được sự lãng phí, cũng như tạo hành lang pháp lý cho EVN huy động và ghi nhận các sản lượng đã đi vào vận hành, đòi hỏi phải có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Cụ thể, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp, cần đưa ra các hướng dẫn chi tiết; đồng thời sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách về giá đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Có như vậy, mới sớm tháo gỡ được các vướng mắc hiện nay.

PV: Theo ông, để thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về việc đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, năng lượng tái tạo có được phát triển mạnh trong giai đoạn tới hay không?

Ông Hà Đăng Sơn: Giai đoạn tới, Việt Nam chắc chắn phải có những động thái mạnh mẽ để thúc đẩy năng lượng tái tạo, nhằm thực hiện các cam kết tại COP26. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, đòi hỏi rất nhiều điều kiện liên quan.

Thứ nhất, về mặt quy hoạch điện, phải có những tính toán và phân tích kỹ lưỡng về khả năng huy động các nguồn phụ trợ, để có thể xử lý được các thách thức liên quan đến nguồn điện có tính chất không ổn định như điện gió, điện mặt trời. Thông thường, để có thể huy động được các nguồn phụ trợ này, cần phải có sự điều chỉnh liên quan đến những cơ chế chi trả giá mua điện vào những khung giờ khác nhau.

Thứ hai, Chính phủ cần phải chủ động hơn trong việc đưa ra các định hướng, chiến lược, chính sách hài hòa giữa các bên: Nhà đầu tư phải cảm thấy có sự tin cậy khi bỏ vốn đầu tư; EVN cũng cần có được kế hoạch đầu tư về hạ tầng truyền tải điện cũng như có các hướng dẫn cụ thể để huy động các dự án đúng quy định pháp luật.  

Một điều quan trọng nhất là Chính phủ cần có những cam kết mang tính chất dài hạn, thay vì chỉ đưa ra những chính sách mang tính chất ngắn hạn dẫn tới những sự đứt gẫy trong triển khai như thời gian qua. Bởi hiện nay, khi giá FIT 1, FIT 2 hết hiệu lực, vẫn chưa có một cơ chế nào được đưa ra như cơ chế đấu thầu hay mua bán điện trực tiếp. Đây là thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể đảm bảo sự tham gia mạnh mẽ hơn của tư nhân nhằm đảm bảo câu chuyện về an ninh năng lượng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!