Chia sẻ tại toạ đàm “Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn đã đưa ra những ý kiến về những nguyên nhân dẫn tới việc sử dụng lãng phí nguồn năng lượng điện hiện nay và các giải pháp, kiến nghị.
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn
|
Theo chuyên gia, điều tiên quyết trong câu chuyện tiết kiệm điện là nhận thức, bởi thói quen tiết kiệm điện của người dùng được xây dựng qua quá trình lâu dài chứ không phải thông qua những phong trào mang tính chất ngắn hạn. Đây cũng là lý do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương liên tục đưa ra những yêu cầu, chỉ thị, hướng dẫn trong việc tạo ra thói quen, nhận thức mới của người tiêu dùng từ các hộ gia đình tới các doanh nghiệp. Bởi tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện điện nếu không trở thành thói quen tốt, không biến thành việc hằng ngày thì người dùng sẽ cảm thấy cực kỳ khó khăn.
Đối với các quốc gia phát triển, đào tạo, giáo dục tiết kiệm điện, tài nguyên thiên nhiên được thực hiện một cách hiệu quả từ hệ thống giáo dục, trên các phương tiện giao thông, các nơi công cộng. Chúng ta cũng thấy rất rõ những động thái của quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, các cam kết liên quan đến Net Zero.
Trong bối cảnh hiện nay, tiết kiệm điện không phải là câu chuyện riêng của Việt Nam mà đã trở thành câu chuyện chung của cả thế giới. Toàn thế giới phải chung tay thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Trước mắt, chúng ta cần thay đổi thói quen tiết kiệm, sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên hiệu quả. Sau đó dùng các tài nguyên sẵn có như điện mặt trời, các dạng năng lượng tự dùng trước khi sử dụng từ nguồn, từ lưới.
Trả lời cho câu hỏi phải chăng những chi phí tiết kiệm đang quá thấp làm cho người dân không cảm thấy cần phải làm điều đó, chuyên gia Hà Đăng Sơn lấy phân tích: “Lấy ví dụ về Nghị định 100 của Chính phủ về cấm rượu bia, xử phạt rất nặng. Với những mức xử phạt đó, người dân tuân thủ và thói quen, hành động của người dân đã có những thay đổi rõ rệt. Phải chăng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng phải có những chế tài nặng như thế thay vì hiện nay các quy định đa phần vẫn mang tính chất khuyến khích, giáo dục? Những hoạt động liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, liên quan đến tiết kiệm điện đã có từ hơn 20 năm về trước. Có lẽ, nhận thức của cộng đồng đã đủ chín để bắt đầu đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn, mang tính chất bắt buộc hơn chứ không phải câu chuyện không muốn thì thôi”.
Hiện nay, giá năng lượng của chúng ta đang được trợ giá do chính sách an sinh xã hội và nhiều chính sách khác của Chính phủ. Mặc dù nhiên liệu đầu vào được mua với giá rất cao nhưng bán ra với giá đã được cố định và giữ nguyên trong rất nhiều năm, chưa điều chỉnh trượt giá so với giá năng lượng thế giới.
Chúng ta có luật, nghị định, thông tư và nhiều quy định, việc triển khai các quy định tại các địa phương lại có sự khác biệt. Trên thực tế, có những địa phương quan tâm, thực sự thúc đẩy thì việc tiết kiệm điện đạt hiệu quả rất cao. Nhưng có một số địa phương lại chưa thực sự thực hiện tốt vấn đề này do nhiều nguyên nhân liên quan đến an sinh xã hội, mong muốn thu hút đầu tư, tạo những điều kiện rất ưu đãi cho nhà đầu tư…. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp đầu tư vào sử dụng năng lượng một cách không hiệu quả, dùng những công nghệ không phải mới nhất, dẫn đến lãng phí năng lượng lớn. Đây là một thực tế chúng ta phải nhìn nhận và cần có giải pháp mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cuối cùng, hiện nay chúng ta chưa có mạng lưới tiết kiệm năng lượng đủ mạnh. Trước đây, khoảng 2015 - 2016, các mạng lưới về tiết kiệm năng lượng khá mạnh ở các địa phương nhưng sau đó do nhiều lý do, các đầu mối về tiết kiệm năng lượng bị giải thể, sáp nhập dẫn đến chức năng của các mạng lưới này không chỉ là tiết kiệm năng lượng mà còn nhiều nhiệm vụ khác. Do đó, các hoạt động liên quan đến tiết kiệm năng lượng hiệu quả không được quan tâm đúng mức.
Gần đây, Bộ Công Thương đã thúc đẩy và có sự ra đời mạng lưới tiết kiệm điện Việt Nam với nhiều hoạt động. Hy vọng trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan cũng sẽ thúc đẩy để mạng lưới tiết kiệm năng lượng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả.