Chuyên gia: 'Nguy cơ mất an ninh năng lượng nếu để EVN lỗ kéo dài'

Chuyên gia cho rằng khi giá điện quá thấp, chi phí tăng cao khiến EVN lỗ kéo dài có thể dẫn đến giảm đầu tư nguồn điện trong tương lai, nguy cơ mất an ninh năng lượng.

Từ đầu năm 2022, do biến động giá của các loại nhiên liệu như than, dầu, khí... trên thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao. Theo phê duyệt của Bộ Công Thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm, EVN đã quyết liệt tiết giảm chi phí. Theo tính toán, tổng các khoản EVN đã cố gắng để giảm lỗ nêu trên đạt khoảng 33.445 tỷ đồng và tác động làm giảm chi phí sản xuất của EVN, ngoài ra chi phí khâu truyền tải, phân phối, phụ trợ năm 2022 và chỉ bằng 92,8% so với năm 2021.

Ảnh minh họa

Giá điện thấp khó khuyến khích đầu tư

Tuy vậy, chuyên gia cho rằng nếu EVN tiếp tục khó khăn về tài chính như hiện tại, sẽ dẫn tới nguy cơ có rất nhiều khó khăn trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Các chuyên gia cho rằng, không chỉ EVN khó khăn mà giá điện thấp sẽ khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà, có thể dẫn tới giảm đầu tư, thiếu điện, mất an ninh năng lượng.

Phân tích, chuyên gia Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh, cho rằng Việt Nam đang chịu sức ép khá lớn khi nhắm đến mục tiêu đưa lượng phát thải về 0 vào năm 2050. Muốn đạt được điều đó thì phải có sự đầu tư rất lớn về hạ tầng năng lượng, trong đó có hạ tầng điện, đường dây chuyền tải...

Muốn tăng đầu tư thì phải thu hút các nhà đầu tư bằng một mức giá điện hấp dẫn, hợp lý. Thậm chí có nhà đầu tư trông chờ vào cơ chế giá FIT trong một thời gian nhất định để yên tâm đầu tư.

"Để đầu tư lại phải có tiền và ai là người bỏ ra chi phí đó? Đó là câu hỏi cực kì khó, bởi giá điện cứ giữ như này thì chẳng tạo ra được bất kì một động lực cho bất kì một bên nào chơi cả", ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh điện là một trong lĩnh vực đầu tư đặc thù, đầu tư lớn, trong thời gian rất dài. Có những dự án mà khối tư nhân không mặn mà, thì chính các doanh nghiệp như EVN phải trực tiếp triển khai. Tuy nhiên, việc giữ giá điện thấp quá lâu như vậy lại tạo ra rủi ro rất cao cho EVN trong việc mất uy tín về mặt tài chính. EVN sẽ khó huy động được vốn để triển khai các dự án năng lượng lớn.

Như vậy, doanh nghiệp Nhà nước khó triển khai các dự án lớn, còn doanh nghiệp tư nhân thì không mặn mà do không có nhiều lợi ích để phát triển nguồn. Ông Sơn nhấn mạnh có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện trong tương lai, dẫn đến nguy cơ mất an ninh năng lượng.

"Quan trọng nhất phải có sự đồng thuận của lãnh đạo cấp cao để hiểu được câu chuyện rằng tại sao chúng ta phải tăng giá điện, tăng thì có những thiệt hại nhất định nhưng nó cũng có lợi ích gì. Chúng ta phải cân đối giữa các phương án khác nhau để lựa chọn phương án phù hợp nhất, người tiêu dùng chấp nhận được, nhưng cũng phải giúp cho EVN sống sót được", ông Sơn nhấn mạnh.

Giá điện dưới giá thành có thể dẫn đến nhiều hệ lụy

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng nếu để giá điện quá thấp, dưới giá thành sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ xấu cho nền kinh tế.

Dẫn câu chuyện những năm 1980, Nhà nước định giá gạo thấp hơn chi phí sản xuất, dẫn đến tình trạng người nông dân không mặn mà trồng lúa, từ đó thiếu gạo diện rộng, TS Lê Đăng Doanh cho rằng đó là một bài học quan trọng trong việc điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, dầu hiện nay. Sau đó, Nhà nước đã nhận ra và tăng giá gạo, Việt Nam nhanh chóng trở thành nước xuất khẩu gạo ngay những năm đầu đổi mới.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng trong việc điều hành giá điện, xăng, đầu, Nhà nước cần tính toán hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng. Tránh việc tính giá thấp hơn chi phí thực tế, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung. Bài học thiếu xăng dầu ở miền Nam và miền Bắc vừa qua cũng là bài học nhãn tiền.

"Điện đã giữ ổn định quá lâu ở một mức thấp. Khi mà giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể phải lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng. Như vậy, Nhà nước có thể phải bù lỗ cho doanh nghiệp", ông nói.

Tuy vậy, trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện tại thì việc bù lỗ là không khả thi. Do vậy, điều chỉnh giá là giải pháp phù hợp nhất.

Theo TS Lê Đăng Doanh, việc tăng giá giúp đảm bảo nguyên tắc thị trường, chi phí sản xuất điện phải được tính đúng, tính đủ vào giá thành. Ngoài ra, việc không để giá điện ở một mức rất rẻ giúp khuyến khích sử dụng tiết kiệm, bền vững, hợp lý, tránh lãng phí. Ngoài ra, tăng giá điện còn giúp doanh nghiệp tái đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời...

Ông nhấn mạnh phải vận dụng các nguyên tắc của kinh tế thị trường một cách hợp lý và kịp thời trước diễn biến của tình hình thế giới rất phức tạp. Các diễn biến về địa chính trị và kinh tế có thể ảnh hưởng rất lớn đến cung cầu trên thế giới, do đó cần có các biện pháp điều chỉnh cho phù hợp, tránh để xảy ra như tình trạng thiếu xăng dầu.

Link gốc


  • 09/12/2022 02:40
  • Theo ngaynay.vn
  • 5049