Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa: Bản chất dòng tiền âm của EVN là do Nhà nước chủ động điều tiết giá phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chia sẻ ý kiến xoay quanh khoản lỗ EVN và việc đề xuất thu hồi khoản lỗ trong giá điện.

Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân, theo hướng giá bán lẻ được tính thêm khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện. Đó là điểm mới trong dự thảo quyết định thay thế 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân của Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp.

 

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa

Lý do khiến Bộ Công Thương phải đưa ra giải pháp trên, theo giải thích của Cục Điều tiết điện lực, là do chi phí mua điện tăng cao, nhưng giá bán lẻ điện được giữ ổn định, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2022 lỗ hơn 26 nghìn tỷ đồng.

Để EVN cân bằng tài chính thì việc đưa ra giải pháp là cần thiết. Song cần phải làm rõ khoản lỗ ấy là do doanh nghiệp gây ra hay do hệ quả của thực tế điều hành giá điện thì mới có hướng xử lý phù hợp.

Hiện nay bất kỳ loại hàng hóa dịch vụ nào vận hành theo cơ chế thị trường, giá do thị trường quyết định thì các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa đó phải chấp nhận "lời ăn lỗ chịu".

Nhưng điện thì lại khác. Giá điện do Nhà nước quyết định. Giá điện vừa qua được vận hành theo quyết sách phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tác động ở mức thấp nhất đến sản xuất, đời sống nên phải xử lý theo hướng "đầu vào cho sản xuất hình thành giá điện thì theo thị trường nhưng đầu ra thì phi thị trường".

Giá điện vì thế đã không được tuân thủ đúng nguyên tắc định giá của Nhà nước quy định tại Điều 20 Luật giá năm 2012 là giá phải “bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường…” và phải "kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi”. Đây là nguyên nhân sinh ra thâm hụt dòng tiền trong sản xuất kinh doanh của EVN.

Năm 2022, giá thành sản xuất kinh doanh điện được kiểm toán tăng 9,27% nhưng chỉ được điều chỉnh giá tăng 3% đã chứng minh điều đó.

Như vậy, việc quyết định điều chỉnh giá thấp hơn chi phí bỏ ra có chủ định của Nhà nước sẽ gây ra dòng tiền âm là không tránh khỏi. Vì thế EVN không bảo toàn được vốn nhà nước trong doanh nghiệp là đương nhiên.

Đánh giá việc Bộ Công Thương đưa khoản lỗ của EVN vào giá điện, Bộ Tài chính cũng nhìn nhận: Trên thực tế việc lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện là do doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện không đủ bù đắp cho các chi phí phát sinh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh điện (chính là việc giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện).

Mặt khác, qua rà soát Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn không có quy định nội dung về phương án phân bổ các khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh và chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện, cũng như thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với nội dung này.

Bản thân EVN khi góp ý cho dự thảo thay thế Quyết định 24 cũng mong muốn sửa đổi, bổ sung vào công thức tính giá điện bình quân tại dự thảo này khoản chênh lệch chi phí sản xuất điện (của khâu phát điện, khâu truyền tải điện, khâu phân phối - bán lẻ điện, khâu điều hành - quản lý ngành, các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí khác) giữa phương án giá điện và thực tế của các năm trước.

EVN cũng muốn dự thảo sửa đổi theo hướng giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh hàng năm và trong năm để đảm bảo giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp dồn tích các khoản chi phí dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh giá điện.

Bản chất dòng tiền âm của EVN không phải là lỗ trong sản xuất kinh doanh do doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện làm ăn yếu kém gây ra, mà là do Nhà nước chủ động điều tiết giá phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Việc cơ quan quản lý Nhà nước coi dòng tiền âm đó là khoản lỗ trong sản xuất kinh doanh là không chính xác.

Khoản chi phí thâm hụt trên không thuộc "chi phí khác" chưa được tính vào giá. Bởi đây là chi phí đã được tính đúng tính đủ trong phương án giá của kỳ định giá, điều chỉnh giá. Thế nhưng khi quyết định mức giá cụ thể, cơ quan nhà nước lại không cho phép quyết định 100% chi phí tính đúng tính đủ nói trên vào giá điện mà còn "treo lại".

Vì thế, Nhà nước phải có cơ chế xử lý cho doanh nghiệp, không để thâm hụt dòng tiền.

Khoản này cần được phân bổ dần vào các kỳ điều chỉnh giá tiếp theo, giống như với trường hợp Thủ tướng Chính phủ đã quy định tại Quyết định 24/2017 phần chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được phân bổ được đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm tính giá.

Với lập luận trên, để hoàn thiện công thức tính giá trong Quyết định 24, đề nghị bổ sung thêm một khoản mới, đó là "chi phí chờ phân bổ”. Đó là một giải pháp để giảm dần khoản lỗ của EVN, trong khi vẫn đảm bảo đúng Luật Giá.


  • 11/09/2023 02:23
  • Lược trích từ nguồn https://www.baogiaothong.vn/
  • 8666