Trả lời phỏng vấn về vấn đề giá điện, ông Franz Gerner – Chuyên gia năng lượng cao cấp, Trưởng nhóm Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, để đánh giá sự phù hợp về mức giá bán điện, cần phải đánh giá về cấu trúc chi phí đặc thù của quốc gia và mức độ các dịch vụ cung ứng điện cho người tiêu dùng.
Theo ông Franz Gerner, trước đây, Việt Nam có các nguồn tài nguyên giá rẻ như than đá, dầu và thuỷ điện dồi dào; thêm vào đó các tổng công ty Điện lực, Dầu khí và Than - Khoáng sản cũng như các nhà đầu tư tư nhân đã phát triển những nguồn tài nguyên sẵn có trong nước này một cách hiệu quả.
Song song, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng một cách tiếp cận về giá khá thống nhất, theo đó nguồn thu từ bán điện được sử dụng để trang trải cho hoạt động và vận hành cũng như để thực hiện các nghĩa vụ trả nợ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và cho ngành Điện.
"Nhìn chung giá bán điện này chưa tính đến chi phí đầu tư và chi phí đầu tư thường được trang trải bởi nguồn tài chính ODA hoặc các khoản vay của EVN nhưng được Chính phủ bảo lãnh", ông Franz Gerner nói.
Chuyên gia từ World Bank cho rằng, cách tiếp cận này thành công trong quá khứ, góp phần vào sự phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam, giúp vận hành nền kinh tế bằng một nguồn năng lượng giá tương đối rẻ. Chính sách giá điện của Chính phủ cũng đảm bảo rằng EVN và ngành Điện liên tục có lãi và ổn định về tài chính; bằng chứng là EVN đạt mức tín nhiệm BB do tổ chức đánh giá Fitch công nhận hồi tháng 6 năm 2018.
"Mặc dù vậy, chính sách giá bán điện dưới mức thu hồi vốn đã làm cho thị trường điện méo mó và kém hiệu quả, đơn cử là cường độ thâm dụng năng lượng cao, từ việc đưa ra những tín hiệu không chính xác đến người tiêu dùng về chi phí thực của dịch vụ", ông nhấn mạnh.
Theo đó, chuyên gia từ World Bank cho rằng, tình hình hiện nay của Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Đầu tiên phải kể đến là phần lớn nguồn tài nguyên rẻ trong nước đã được phát huy tối đa về công suất, đặc biệt là dầu khí và thuỷ điện. Việt Nam càng ngày càng dựa vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu đắt đỏ hơn như than và khí tự nhiên.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình và ngành Điện không còn nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi nhiều như trước đây nữa. Chính phủ đã và đang tăng định hướng cho ngành Điện hướng tới các hình thức huy động vốn theo hướng thị trường nhiều hơn thay vì sử dụng nguồn ODA và vay bảo lãnh của Chính phủ.
"Chi phí đầu tư cho phát triển ngành Điện trong tương lai – ước tính khoảng 8 tỷ USD mỗi năm – sẽ được tính vào doanh thu bán điện từ các công ty phân phối điện tới người tiêu dùng. Mức tăng giá bán lẻ điện dự kiến khoảng 8,4% hay 8,1 cents/kWh là một bước đi đúng hướng", ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Franz Gerner, giá điện trong tương lai cần phải thu hồi đầy đủ tất cả các chi phí của ngành điện (chi phí vận hành và bảo dưỡng, chi phí đầu tư, các nghĩa vụ trả nợ) thông qua nguồn thu từ bán điện và mức giá này dự tính trung bình khoảng 11-12 cents/kWh.
Trả lời câu hỏi về giá bán điện cho khu vực công nghiệp, ông Franz Gerner cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có cường độ sử dụng điện ở mức cao nhất trong khu vực Đông Á và ngành công nghiệp sản xuất sử dụng đến hơn 50% tổng lượng điện sản xuất.
Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành công nghiệp, thương mại và sinh hoạt thì có thể giảm được việc phải phát mới tới 10 GW điện. Chính phủ đang xem xét các chính sách và các biện pháp khuyến khích để các doanh nghiệp sản xuất đầu tư cho sử dụng năng lượng hiệu quả.
"Trong bối cảnh này, điều quan trọng là chính phủ cần chuyển dần từ hình thức khuyến khích thực hiện năng lượng hiệu quả một cách tự nguyện sang bắt buộc, theo đó phải đặt ra các chỉ tiêu hiệu quả năng lượng cho mỗi ngành công nghiệp với cơ chế thưởng phạt trong việc hoàn thành hay không hoàn thành chỉ tiêu này", ông nói thêm.
Theo Dân Trí
Share