Cơ hội và thách thức đối với điện mặt trời mái nhà nối lưới tại Việt Nam

Đây là nội dung Hội thảo quốc tế do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển CHLB Đức (GIZ) và Hiệp hội Điện mặt trời Đức (BSW) tổ chức, chiều 9/9 tại Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu: BSW (Berlin, CHLB Đức); các Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực trên toàn quốc.

Theo ông Tobias Cossen - Giám đốc Chương trình Năng lượng (thuộc GIZ), GIZ bày tỏ sự ấn tượng với thành tựu phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại Việt Nam. Tính đến hết ngày 31/8/2020, đã có khoảng 5.000 khách hàng đã lắp đặt ĐMTMN, với tổng công suất 1.200MW. "Đây là thành quả rất ấn tượng của Việt Nam trong phát triển ĐMTMN, và GIZ rất tự hào khi đóng góp một phần công sức vào quá trình đó" - ông Tobias bày tỏ.

Ông Tobias Cossen - Giám đốc chương trình Năng lượng, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phát biểu tại Hội thảo.

Ông Tobias Cossen cho biết, hội thảo lần này nằm trong khuôn khổ hợp phần Năng lượng mặt trời mái nhà thuộc Chương trình Năng lượng của GIZ. Mục tiêu hướng đến là nâng cao chất lượng nhân lực cho thị trường ĐMTMN tại Việt Nam để đảm bảo lắp đặt, vận hành, bảo trì các hệ thống ĐMTMN cũng như duy trì chất lượng và khả năng vận hành của hệ thống. Đây cũng là dịp để các đối tác tại CHLB Đức giới thiệu các thế mạnh của quốc gia này trong việc triển khai, ứng dụng ĐMTMN, góp phần nâng cao nhận thức và kinh nghiệm cho các đồng nghiệp tại EVN và các đơn vị.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho rằng, ĐMTMN là mô hình mang lại rất nhiều lợi ích cho người sử dụng. Với hộ gia đình, ĐMTMN sẽ góp phần giảm số điện sử dụng ở bậc thang giá cao. Với doanh nghiệp, ĐMTMN góp phần giảm số điện phải sử dụng trong giờ cao điểm, tiết giảm chi phí tiền điện hằng tháng. Ngoài ra, phần sản lượng điện mặt trời dư thừa, chủ đầu tư có thể bán lại cho ngành Điện. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cao trong thời gian tới, việc phát triển ĐMTMN là một trong những giải pháp hết sức cần thiết hiện nay.

Theo Phó Tổng giám đốc EVN, trong thời gian qua, GIZ và các đối tác CHLB Đức đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với EVN trong việc tham gia hỗ trợ xây dựng, phát triển ĐMTMN tại Việt Nam. Đặc biệt, hai bên đã cùng nhau hợp tác cho ra mắt nền tảng ĐMTMN đầu tiên tại Việt Nam - EVNSolar.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu EVN (Hà Nội).

Phó Tổng giám đốc EVN kỳ vọng, qua hội thảo lần này, EVN và các đơn vị sẽ được GIZ và BSW trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm trong việc xây dựng các cơ sở pháp lý, kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng nền tảng, nguồn nhân lực nhằm triển khai, lắp đặt, vận hành ĐMTMN tại Việt Nam, góp phần đẩy mạnh sử dụng nguồn năng lượng sạch này trong người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ông Carlsen Kornig - Giám đốc điều hành BSW cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển ĐMTMN, với tiềm năng bức xạ lớn. Ngoài ra, các mục tiêu, cơ sở pháp lý của Chính phủ Việt Nam về phát triển ĐMTMN là "hết sức tham vọng, nhưng hoàn toàn có khả năng thực hiện thành công". Bên cạnh đó, thị trường điện mặt trời nói chung và ĐMTMN nói riêng tại Việt Nam rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Đức. 

"Với kinh nghiệm của mình, BSW rất tự hào khi có dịp chia sẻ, trao đổi những bài học thành công và những kinh nghiệm trong phát triển ĐMTMN tại CHLB Đức, nhằm giúp các đồng nghiệp Việt Nam có thêm góc nhìn, từ đó đưa ra chiến lược phát triển ĐMTMN mạnh mẽ hơn trong thời gian tới" - ông Carlsen cho biết.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia của BSW đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các chủ đề: Điện mặt trời ở Đức - câu chuyện thành công; Quản lý lưới điện và hệ thống điện mặt trời; Số hóa và an toàn lưới điện; Các yếu tố để cấp phép chất lượng ĐMTMN...


  • 09/09/2020 07:30
  • Hà Phạm
  • 17604