Công nghệ cửa sổ mới giúp tòa nhà tiết kiệm năng lượng

Theo trang tin công nghệ Mỹ Newatlas, cho tới thời điểm hiện tại, đã có nhiều thế hệ cửa sổ “thông minh” ra đời, chuyển đổi điện tử cho phép ánh sáng mặt trời xuyên qua hoặc chặn ánh sáng mặt trời. Và thế hệ cửa của nhóm nghiên cứu Đại học Toronto, Canada (UoT) vừa trình làng là một trong những “ứng viên mới nhất” nằm trong số này gọi là “cửa sổ chất lỏng”. 

Sản phẩm có tính năng độc đáo, chứa chất lỏng, nhiều lớp có thể điều chỉnh ánh sáng, hấp thụ nhiệt, cách âm, tiết kiệm năng lượng.

Công nghệ "cửa sổ chất lỏng" nhiều lớp được lấy cảm hứng từ làn da thay đổi màu sắc của mực ống, mực nang và các loài nhuyễn thể. Những con vật đó có thể di chuyển các sắc tố xung quanh trong các tế bào bên dưới da của chúng, thay đổi nó qua lại giữa trạng thái trong suốt và mờ đục.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã công bố một cửa sổ có thể chỉnh màu lấy cảm hứng từ khả năng này. Cửa sổ chất lỏng nguyên mẫu đưa khái niệm này đi xa hơn bằng cách kết hợp nhiều tấm nhựa trong suốt xếp chồng lên nhau, mỗi tấm trong số này được trang bị mạng lưới vi mạch chạy qua.

 Cửa sổ mới của UoT có thể tiết kiệm được 25% năng lượng mỗi năm cho ngôi nhà. Nguồn: IT

Bằng cách bơm chất lỏng chứa các sắc tố khác nhau (hoặc các phân tử khác) vào hoặc ra khỏi các kênh trong mỗi tấm, có thể chọn các kết hợp chất lượng quang học khác nhau cho toàn bộ cửa sổ. Ví dụ, bằng cách bơm một sắc tố chặn ánh sáng nhìn thấy được bên ngoài, trong khi bơm sắc tố chặn tia hồng ngoại vào trong khác, cửa sổ có thể được đặt để cho ánh sáng nhìn thấy xuyên qua trong khi chặn ánh sáng hồng ngoại. 

Sử dụng các mô hình máy tính dựa trên hiệu suất của nguyên mẫu, các nhà khoa học ước tính rằng ngay cả khi cửa sổ lỏng chỉ được sử dụng để điều chỉnh sự truyền ánh sáng hồng ngoại, một tòa nhà sẽ sử dụng năng lượng sưởi ấm, làm mát và chiếu sáng ít hơn khoảng 25% mỗi năm. Nếu các cửa sổ cũng được sử dụng để kiểm soát ánh sáng, thì con số đó sẽ tăng lên.

“Các tòa nhà sử dụng nhiều năng lượng để sưởi ấm, làm mát và chiếu sáng không gian bên trong. Nếu có thể kiểm soát cường độ bức xạ mặt trời và hướng năng lượng mặt trời đi vào các tòa nhà, thì có thể giảm đáng kể năng lượng cần cho sưởi ấm hay làm mát hoặc chiếu sáng”, giáo sư Ben Hatton, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho hay.


  • 23/02/2023 01:50
  • K.N (Theo NAC- 2/2023)
  • 3695