Công ty Điện lực Bình Định: Áp lực ứng phó siêu bão RAI và hoàn lưu bão

Bình Định là địa phương ven biển, trong khu vực dự báo chịu ảnh hưởng của bão RAI. Do đó, dù bão RAI trực tiếp đổ bộ vào đất liền hay không, thì ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão vẫn có thể gây tác động trực tiếp tới lưới điện phân phối tại tỉnh này. Công ty Điện lực (PC) Bình Định sẽ chuẩn bị để ứng phó thiên tai, đảm bảo cấp điện an toàn như thế nào? evn.com.vn đã trao đổi với ông Thái Minh Châu – Giám đốc PC Bình Định, ngày 19/12.

Ông Thái Minh Châu - Giám đốc PC Bình Định

PV: Thưa ông, bão RAI có khả năng gây ảnh hưởng như thế nào tới hệ thống lưới điện tỉnh Bình Định?

Ông Thái Minh Châu: RAI là cơn bão lớn với di chuyển phức tạp, do đó, PC Bình Định đã theo dõi sát sao diễn biến của cơn bão này để chủ động ứng phó. Chúng tôi đã xây dựng các kịch bản cho mọi tình huống, kể cả khi bão bất ngờ đổi hướng và đổ bộ vào bờ.

Từ chiều ngày 18/12, lực lượng trực bão đã được công ty huy động và bố trí tại nhiều địa điểm trên toàn tỉnh. Nhờ đó, chúng tôi sẵn sàng nhân lực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Trong đêm 18/12 và sáng nay, ảnh hưởng của mưa lớn, gió mạnh khiến cây đổ vào hành lang lưới điện, khiến hệ thống điện gặp sự cố tại một số khu vực ở TP. Quy Nhơn,… Anh em công nhân đã lập tức khoanh vùng sự cố và đến trưa nay đã khôi phục cấp điện trở lại cho người dân.

Đáng lưu ý nhất là tại đảo Nhơn Châu – xã đảo tiền tiêu cách bờ 30km, đây là khu vực có khả năng chịu nhiều ảnh hưởng từ bão RAI. Công ty đã yêu cầu tổ quản lý vận hành ứng trực trước bão, sớm hoàn thành các công việc như: chuẩn bị vật tư, thiết bị; kiểm tra, gia cố các vị trí xung yếu; … Tới trưa nay, hệ thống điện tại đảo Nhơn Châu vẫn đang được vận hành ổn định, an toàn. Ngoài ra, lực lượng CBCNV điện tại đây cũng đã hỗ trợ người dân trong các công việc phòng chống bão như: kéo tàu, thuyền vào bờ neo đậu; chằng néo nhà cửa…

Tại Bình Định có 1 số khu vực núi cao (tại huyện Vân Canh, huyện An Lão) dễ xuất hiện điểm sạt lở, lũ quét; và 1 số vùng trũng (tại huyện Tuy Phước, huyện An Nhơn, phía Bắc TP Quy Nhơn, …) dễ bị ngập lụt nếu có mưa lớn. Các khu vực này đều đã được chúng tôi lưu tâm, xây dựng kịch bản ứng phó riêng; bố trí người ứng trực 24/24 tại địa phương để theo dõi sát các diễn biến thực tế của bão RAI và hoàn lưu sau bão.

PV: Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, giải pháp chủ chốt nào được PC Bình Định sử dụng để ứng phó bão RAI và đảm bảo chống dịch, thưa ông?

Ông Thái Minh Châu: Mô hình “Bong bóng khép kín” là phương án hiệu quả để chúng tôi vừa chống dịch, vừa thực hiện nhiệm vụ chống bão, đảm bảo điện. Theo đó, các đội điện lực được chúng tôi bố trí phân tán, chia nhỏ, hoạt động trong phạm vi riêng biệt. Do đó, giảm các nguy cơ lây nhiễm diện rộng. Các đội chỉ di chuyển từ nơi nghỉ - nơi công tác, khi di chuyển không quá 10 người/xe, thực hiện 03 ngày xét nghiệm PCR một lần trước khi thực hiện công việc. Vị trí sinh hoạt, công tác phải được thiết lập, cảnh báo "vùng bảo đảm an toàn cho lực lượng phòng chống thiên tai”.

Đối với lực lượng điều độ viên, trực vận hành các trạm biến áp, chúng tôi đã sớm bố trí “cách ly”, thực hiện 3 tại chỗ ngay tại trụ sở cơ quan. Việc bố trí chia tách các ca, kíp được thực hiện nghiêm túc, triệt để, đảm bảo không có tiếp xúc, không để xảy ra nguy cơ lây nhiễm chéo (nếu có) giữa các ca, kíp trực.

Thực tế hiện nay, các CBCNV của PC Bình Định đã cơ bản hoàn thành 2 mũi tiêm COVID-19, và được bố trí test kịp thời khi phát hiện các nguy cơ dịch bệnh. Do đó, chúng tôi  có điều kiện thuận lợi để triển khai hiệu quả công tác khắc phục hậu quả thiên tai trong điều kiện phòng cống dịch với phương châm: “4 tại chỗ” + 5K + vắc-xin.

PV: Ông có thể cho biết, để đảm bảo an toàn điện cho nhân dân trong và sau bão RAI, PC Bình Định có giải pháp nào?

 Ông Thái Minh Châu: Phải nhấn mạnh rằng, an toàn điện luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Trước khi có mưa bão, chúng tôi đã kiểm tra, gia cố các vị trí cột điện, trạm biến áp ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt... Đồng thời, lực lượng CBCNV tại các Điện lực luôn bám địa bàn, theo dõi sát sao diễn biến thiên tai để kịp thời cắt điện chủ động, không để xảy ra các nguy cơ mất an toàn điện, nhất là khi có mưa lớn, nước dâng.

CBCNV tại các Điện lực cũng thường xuyên kiểm tra hàng lang lưới điện, và trực tiếp nhắc nhở người dân với các vi phạm về công trình xây dựng, biển quảng cáo, cây cối… nhằm đảm bảo hành lang an toàn điện.

Chúng tôi cũng chú trọng việc thực hiện tuyên truyền các giải pháp đảm bảo an toàn điện, chủ động nhắn tin trực tiếp tới khách hàng để khuyến cáo an toàn; phối hợp với chính quyền địa phương, thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài… Đây là những công việc chúng tôi được thực hiện xuyên suốt trước và trong mùa bão; đối với bão RAI cũng như vậy!

PV: Xin cám ơn ông!


  • 19/12/2021 04:39
  • N.H (thực hiện)
  • 9394