Công ty Thủy điện Đồng Nai chú trọng an toàn trong vận hành

Sau 6 năm đi vào hoạt động, ngoài kết quả sản xuất, kinh doanh năm sau luôn cao hơn năm trước, đến nay, Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 và 4 chưa để xảy ra sự cố chủ quan ảnh hưởng đến vận hành; hệ số khả dụng các tổ máy đều đạt trên 95%, cao hơn quy định.

Đập tràn - hồ chứa nước Nhà máy thủy điện Đồng Nai 4

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Ông Phạm Văn Cúc - Giám đốc Công ty Thủy điện Đồng Nai - cho biết: Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 và 4 được vận hành theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015 và hệ thống Kaizen - 5S. Công ty hiện có 170 người, hầu hết đều có chuyên môn và không ngừng được đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu.

Quản lý, vận hành nhà máy thủy điện là công việc nặng nhọc, đòi hỏi chuyên môn cao và có trách nhiệm. Kỹ sư Nguyễn Tiến Nam - Trưởng ca Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4 cho biết: Để Nhà máy hoạt động thông suốt, cứ 5 người nhóm thành một kíp trực, mỗi kíp 12 giờ và thay ca liên tục 24/24 giờ. “Xa gia đình, làm việc và sinh hoạt luôn gắn với Nhà máy, sau 5 năm gắn bó, cái buồn tẻ đã nhường chỗ cho những điều thú vị từ công việc”.

Anh Hồ Sĩ Thái - công nhân vận hành điều hành tự động Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4 - ví chuyện anh em thức đêm trực Nhà máy ghi chép tỉ mỉ từng thông số kỹ thuật “căng” như bác sĩ trong phòng mổ bệnh nhân.

Cùng kíp trực với Thái, kỹ sư Trần Tú Đạt chia sẻ, công việc của cán bộ, công nhân tại nhà máy thủy điện đòi hỏi trách nhiệm cao. Công ty luôn chu đáo lo cho nơi ăn chốn ở, quyền lợi người lao động được bảo đảm, hỗ trợ tối đa cho việc nâng cao kiến thức và đánh giá rất cao khả năng lao động sáng tạo.

Theo ông Phạm Văn Cúc, để bảo đảm việc sản xuất, kinh doanh, Công ty đang dồn lực khai thác có hiệu quả nguồn nước nhằm đạt sản lượng điện cho Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 là 456 triệu kWh; Đồng Nai 4 là 915 triệu kWh; phấn đấu để giảm tỷ lệ tổn thất qua máy biến áp và tự dùng không quá 0,94%. Đặc biệt, phải bảo đảm an toàn trong vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị không để xảy ra sự cố chủ quan.

Ổn định đời sống người dân

Không chỉ cung cấp lượng điện lớn cho hệ thống điện quốc gia, Công ty Thủy điện Đồng Nai còn là đơn vị đi đầu trong việc bảo vệ môi trường và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Công ty đã trồng bù rừng thay thế 27,54/28,75 ha; đã chuyển 212 tỷ đồng để trồng, chăm sóc 3.891/5.055 ha, trong đó 1.011 ha đã được nghiệm thu năm 2015 và 2.879 ha trồng theo kế hoạch năm 2016.

Để phòng chống thiên tai và chống hạn cho vùng hạ du, Công ty đã vận hành điều tiết nước liên hồ chứa linh hoạt và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xây dựng phương án thông tin liên lạc, phương án cấp điện trong mùa mưa bão. Nhờ đó, những khu vực hạ lưu như huyện Nam Cát Tiên (Lâm Đồng), Vĩnh Cửu (Đồng Nai) từ khi có Nhà máy không còn xảy ra tình trạng lụt, lũ quét như trước.

Về tồn tại liên quan đến công tác tái định canh của một số hộ thuộc huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) của Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3, ông Lê Xuân Thành - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Công ty cho biết, cuộc họp mới đây giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản thống nhất giao cho địa phương thuộc tỉnh Đắk Nông giải quyết, ngành Điện có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí để giúp cho người dân ổn định cuộc sống. Hiện tại, công tác tái định canh cho những người dân bị ảnh hưởng bởi Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 đang được chính quyền địa phương rốt ráo thực hiện và được người dân đồng tình.

Công ty Thủy điện Đồng Nai thuộc Tổng công ty Phát điện 1, hiện đang quản lý:

* Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 (công suất 180 MW, phát điện thương mại năm 2011)

* Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4 (công suất 340 MW, phát điện năm 2012),

tọa lạc trên sông Đồng Nai Thượng, thuộc TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông).


  • 05/04/2017 10:34
  • Theo Báo Công Thương
  • 10847