Cụ thể, Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sơn La đóng góp 97,6 tỷ kWh; NMTĐ Lai Châu là 27,4 tỷ kWh.
NMTĐ Sơn La (6 tổ máy, tổng 2.400MW) đã vận hành hơn 11 năm, NMTĐ Lai Châu (3 tổ máy, tổng 1.200MW) vận hành hơn 6 năm. Tổng công suất của 2 nhà máy này chiếm khoảng 5% tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc.
Cả 2 nhà máy cung cấp lên hệ thống điện quốc gia khoảng 12 tỷ kWh/năm (chiếm tỷ lệ khoảng 4,5% tổng sản lượng hệ thống điện quốc gia). Những năm vừa qua, nguồn năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành với công suất ngày càng cao, 2 nhà máy này càng có ý nghĩa quan trọng khi đóng vai trò điều tần, điều áp giữ ổn định hệ thống điện Việt Nam.
Với tính chất đặc biệt quan trọng về nhiều mặt, cả 2 công trình thủy điện Sơn La và Lai Châu đều nằm trong danh mục Công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Ngoài ra, từ khi công trình Thủy điện Sơn La vào vận hành còn làm tăng sản lượng phát điện đối với Thủy điện Hòa Bình trung bình là 1,2 tỷ kWh/năm.
Nhà máy Thủy điện Sơn La
|
Theo ông Khương Thế Anh - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, trong những năm qua, Công ty Thuỷ điện Sơn La cũng luôn dẫn đầu về giá trị, tỷ trọng đóng góp vào ngân sách tại địa phương các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, góp phần không nhỏ trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước từ khi thành lập đến nay đạt hơn 21.700 tỷ đồng. Trong đó, NMTĐ Sơn La nộp hơn 16.600 tỷ đồng, NMTĐ Lai Châu nộp hơn 5.100 tỷ đồng.
Công ty Thủy điện Sơn La cũng thực hiện nghiêm túc việc chi trả tiền Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Lũy kế từ khi công trình vào hoạt động đến thời điểm hiện tại, công ty đã thực hiện chi trả 2.516,7 tỷ đồng quỹ bảo vệ và phát triển rừng nộp tại Sơn La.
Bên cạnh đó, Công ty Thủy điện Sơn La tích cực phối hợp với chính quyền 3 địa phương (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) vùng lòng hồ thực hiện trồng rừng, trồng bù rừng bảo vệ môi trường thủy điện và khu vực xung quanh hồ thủy điện Sơn La và Lai Châu với tổng diện tích 408,96 ha, tương đương giá trị trồng rừng khoảng 30,27 tỷ đồng.