Sau 10 năm vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La và sau 4 năm vận hành Nhà máy Thủy điện Lai Châu, mới đây, Công ty Thủy điện Sơn La đã đạt sản lượng 100 tỷ kWh, đánh dấu một chặng đường đầy tự hào của công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.
Có thể nói, dấu mốc này là niềm vinh dự và tự hào của cán bộ, công nhân viên công ty Thủy điện Sơn La, cũng đồng thời là động lực để công ty cố gắng hơn nữa, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao. Kết quả này có được, một phần do phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ, công nhân viên công ty được triển khai mạnh mẽ trong những năm gần đây. Phong trào đã thúc đẩy lao động sáng tạo trong sản xuất đối với lĩnh vực kỹ thuật, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành điện nói chung và Công ty Thủy điện Sơn La nói riêng.
Ông Khương Thế Anh - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La (giữa) và kỹ sư Đỗ Việt Bách nhận giải tại Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La năm 2020
|
Ông Khương Thế Anh – Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La - cho biết, công ty luôn tự hào là một trong số các đơn vị trực thuộc EVN có đội ngũ lao động trẻ, được tuyển dụng và đào tạo bài bản. Với nền tảng đó, cùng với nhiệt huyết và đam mê khoa học - công nghệ, trong thời gian qua, công ty đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được tập đoàn, địa phương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận. Từ thành công đó, tập đoàn đã giao công ty nhiều đề tài ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý vận hành. Đặc biệt 2 lĩnh vực mới được áp dụng tại Việt Nam là ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý an toàn công trình thủy điện, vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực.
Thời gian qua, Hội đồng xét duyệt sáng kiến cấp EVN đã tiến hành xét duyệt nhiều sáng kiến của công ty để trao những giải thưởng lớn liên quan đến cải tiến công nghệ nâng cao hiệu quả vận hành, độ tin cậy các tổ máy, quản lý an toàn đập và các sáng kiến về quản lý.
Mới đây, công ty đã tham gia và giành giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 7 năm 2020 với sáng kiến "Nghiên cứu nghiệm đặc tính công suất của máy phát sf400-66/16470 Nhà máy Thủy điện Sơn La với bản vẽ nhà thầu cung cấp. Viết phần mềm vẽ đặc tính công suất của các máy phát đồng bộ cực lồi" và 3 sáng kiến được giải Khuyến khích trong hội thi.
Kỹ sư Đỗ Việt Bách - tác giả sáng kiến - chia sẻ, sau khi áp dụng vào thực tế, giải pháp được chứng minh giúp tối ưu hóa chế độ vận hành, tra cứu, đào tạo, khảo sát năng lực điều chỉnh công suất của tất cả các máy phát trên hệ thống điện với thông số kỹ thuật khác nhau.
Về giá trị kinh tế, phần mềm "Power characteristic curve 1.1" của tác giả với dữ liệu nhập tùy chọn, áp dụng được cho tất cả các máy phát điện trên hệ thống, có khả năng mang lại hiệu quả không những nâng cao hiệu quả phát điện mà làm tăng sự ổn định của các tổ máy. Nếu sử dụng triệt để ưu điểm của phần mềm vào thực tế thì số tiền làm lợi có thể đảm bảo là 15 tỷ đồng.
Công ty cũng vinh dự là đơn vị có thành tích xuất sắc nhất trong công tác tuyên truyền và tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 7 năm 2020.
Có thể nói, phong trào đẩy mạnh sáng tạo trong lao động sản xuất của công ty nhiều năm qua luôn nhận được sự quan tâm của tập thể cán bộ, công nhân viên. Qua phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các kỹ sư trẻ đã và đang phát huy vai trò tiên phong của mình, thúc đẩy phong trào sáng kiến phát triển, thể hiện lòng yêu nghề, tinh thần hăng say học hỏi, dám nghĩ, dám làm. Các sáng kiến, giải pháp được kiểm định rõ ràng qua thực tế sản xuất, kinh doanh đã và đang giúp mang lại lợi ích thiết thực không chỉ cho Công ty Thủy điện Sơn La mà còn cho cả ngành điện Việt Nam, để dòng điện từ sông Đà luôn rực sáng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Qua phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các kỹ sư trẻ của Công ty Thủy điện Sơn La đã và đang phát huy vai trò tiên phong, thúc đẩy phong trào sáng kiến phát triển, thể hiện lòng yêu nghề, tinh thần hăng say học hỏi, dám nghĩ, dám làm. |
Link gốc