Công ty Truyền tải điện 1: Hiệu quả làm việc nhóm

“Một tổ chức muốn thành công phải đảm bảo kết quả làm việc nhóm luôn phải lớn hơn tổng kết quả làm việc riêng lẻ của từng cá nhân cộng lại: (1+1>2)”.

Đó là nhận định của ông Tô Thế Cường, Phó Giám đốc Truyền tải điện Hà Nội (thuộc Công ty Truyền tải điện 1) khi đánh giá về vai trò làm việc nhóm.

Xây dựng tinh thần đồng đội

Đối với ngành Điện nói chung và khâu truyền tải điện nói riêng, khi làm việc với bất kỳ một thiết bị điện nào đều phải theo quy trình, quy định là phải có ít nhất 2 người (nhóm công tác). Công ty Truyền tải điện 1, đơn vị quản lý các TBA 500 kV, 220 kV, Đội truyền tải điện có mặt trên địa bàn 27/28 tỉnh thành miền Bắc, làm việc theo nhóm là nguyên tắc bất di, bất dịch, áp dụng cho CBCNV làm việc trực tiếp cũng như gián tiếp. Trong đó, xây dựng tinh thần đồng đội là yếu tố quan trọng hàng đầu. 

Theo chia sẻ của các cán bộ, công nhân viên Công ty, điều này không phải tự nhiên, mà phải trải qua quá trình “nuôi dưỡng”, đào tạo trong môi trường làm việc đặc thù của nghề truyền tải điện. Đặc biệt, đối với công việc xử lý sự cố trên hệ thống truyền tải điện, ngoài việc mỗi cá nhân cần làm tốt vai trò của mình, những kỹ năng phối hợp cũng rất quan trọng.

Điển hình như, khi tiến hành xử lý sự cố mất điện do sét đánh trực tiếp hoặc sét đánh lan truyền vào đường dây truyền tải điện 220 kV. Với loại sự cố này, cần có ít nhất 03 nhóm làm việc trực tiếp và 02 nhóm gián tiếp: Nhóm trực tiếp bao gồm bộ phận vận hành giám sát thiết bị, bộ phận kiểm tra tuyến đường dây, bộ phận thí nghiệm thiết bị; Nhóm gián tiếp bao gồm phòng Điều độ (để tổng hợp thông tin, báo cáo lãnh đạo, phối hợp chỉ đạo công tác xử lý, công tác điều độ khôi phục vận hành đường dây tải điện) và phòng Kỹ thuật (Hỗ trợ và chỉ đạo công tác phân tích sự cố). 

Công nhân Công ty Truyền tải điện 1 xử lý sự cố thay thế MBA 500 kV Thường Tín

Khi công việc đòi hỏi nhiều bộ phận, cá nhân cùng tham gia, vai trò đồng đội trong làm việc nhóm sẽ giúp cho mỗi thành viên hoàn thành chính xác công việc của mình ở từng khâu, đồng thời hỗ trợ nhau ở công đoạn tiếp theo được thuận lợi. 

Nếu các thành viên trong từng nhóm không có sự kết hợp, vô trách nhiệm hoặc nếu thông tin được thu thập, phân tích, chỉ đạo xử lý ở các khâu không có mối liên hệ chặt chẽ thì hiệu quả cuối cùng sẽ không đạt được như mong muốn. Do vậy, làm việc nhóm không chỉ đơn thuần là một kỹ năng của từng cá nhân, mà còn đòi hỏi tinh thần đồng đội, sự phối hợp nhịp nhàng, chính xác của tất cả các bộ phận. 

Vai trò của người đứng đầu 

Yếu tố dẫn đến thành công trong làm việc nhóm phải kể đến sự điều hành của những người chỉ huy trực tiếp hay lãnh đạo công việc. Họ là những người trực tiếp quản lý, theo dõi, giám sát tiến độ công việc, là đầu mối báo cáo kết quả công việc cho các cấp lãnh đạo khi cần thiết. Tại PTC1, người đứng đầu vừa là cầu nối truyền đạt nội dung, ý kiến chỉ đạo thực hiện công việc, vừa là “trung tâm” tạo động lực và động viên khích lệ các cá nhân, thành viên trong nhóm làm việc hiệu quả nhất. Trong đó, điều mà các nhà lãnh đạo hay trưởng nhóm tại PTC1 luôn trăn trở khi được tiếp quản một nhóm làm việc là việc dung hòa giữa các cá nhân và tập thể để đạt được kết quả cao nhất trong công việc. 

Năm 2011, nhu cầu sử dụng điện tại miền Bắc tăng cao, sản lượng điện được truyền tải từ miền Nam ra miền Bắc rất lớn. Vào thời điểm này, pha C MBA 500 kV Thường Tín (150 MVA/1pha) hư hỏng phải tách ra khỏi vận hành. Ông Tô Thế Cường, Phó Giám đốc Truyền tải điện Hà Nội kể lại: “Trước yêu cầu cấp bách đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cho Công ty Truyển tải điện 1 phải giữ vững ổn định an toàn hệ thống điện và khẩn trương sửa chữa, thay thế, đưa pha C MBA 500 kV Thường Tín vào vận hành trong thời gian ngắn nhất (12 ngày). Đó là yêu cầu quá khó đối với đơn vị chủ quản, vì MBA thay thế hoàn toàn khác về mặt cấu trúc hình thể, kích thước so với máy cũ, vì vậy phần kết cấu móng cũ cần phải sủa chữa, bổ sung”.

Tại PTC1, làm việc nhóm là điều kiện bắt buộc đối với CBCNV

Một cuộc họp khẩn cấp tìm cách xử lý sự cố trên đã được tổ chức, một cuộc họp dài với sự đóng góp, tranh luận giữa nhiều ý kiến, phương án xử lý khác nhau đã diễn ra. Dù không khí trong cuộc họp có phần “căng thẳng”, song do sự điều phối, phân tích của lãnh đạo PTC1, sau khi đã lắng nghe, chắt lọc nhiều ý kiến, các thành viên ban chỉ đạo đã thống nhất đưa ra phương án xử lý, kèm theo đó là lịch phân công tiến độ thực hiện rất chi tiết, cụ thể công việc cho từng nhóm. 

Theo đó, với sự phân công hợp lý, sự điều hành mềm dẻo, linh hoạt, nhưng kiên quyết của Ban chỉ đạo Dự án, từ nhóm xây dựng, nhóm lọc dầu, nhóm lắp đặt thiết bị, nhóm kéo rải cáp đấu nối nhị thứ, nhóm thí nghiệm thiết bị, nhóm trực ca vận hành, các nhà thầu cung cấp thiết bị phụ kiện… đồng loạt vào cuộc, làm việc bất kể ngày đêm trên công trường xử lý sự cố, thay thế MBA 500 kV Thường Tín. Kết quả cuối cùng, MBA được đóng điện an toàn vượt tiến độ 2 ngày. Có được thành công này là do sự phối hợp đồng bộ sức mạnh tập thể, bởi hiệu quả của làm việc nhóm nếu biết kết hợp sẽ luôn lớn hơn kết quả làm việc của từng cá thể làm việc riêng lẻ cộng lại. Đó cũng là lý do, tại PTC1, công thức để làm việc nhóm thành công luôn là 1+1>2. 
 


  • 07/09/2016 10:54
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 8388