Ông Nguyễn Duy Dũng – Phó Giám đốc PTC2
|
PV: Ông có thể cho biết về công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 4 tại đơn vị đến nay như thế nào?
Ông Nguyễn Duy Dũng: Đến nay, công ty đã hoàn thành toàn bộ kế hoạch công tác sản xuất ngăn ngừa, phòng chống thiên tai. Các đơn vị đang theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia.
Đối với đường dây, công tác đảm bảo thoát nước mặt móng cột, khu vực chân cột điện, sửa chữa và gia cố kè móng, tường chắn bị hư hỏng đã được hoàn thành. Đối với trạm biến áp, PTC2 đã kiểm tra, dọn, khơi thông các mương thoát nước trong trạm và hệ thống thoát nước xung quanh trạm; che chắn các tủ đấu dây, tủ điều khiển bảo vệ ngoài trời, các tủ đi kèm thiết bị nhất thứ, các hệ thống giám sát online,...
Những khu vực có nguy cơ sạt lở, nền đất yếu bị ảnh hưởng do bão từ các năm trước, PTC2 đã hoàn thành toàn bộ công tác xây dựng kè móng đảm bảo vận hành lâu dài.
Ngoài ra, công ty tổ chức bố trí lực lượng, vật tư tại những điểm xung yếu. Khi có nguy cơ bị chia cắt do hư hỏng đường giao thông, do sạt lở, ngập lụt... thì triển khai các tổ, nhóm trực ứng phó tại những điểm xung yếu trên các đường dây truyền tải điện.
Chúng tôi cũng liên hệ các đơn vị quân đội, đơn vị có phương tiện thi công đào bới, vận chuyển đất đá sẵn sàng phối hợp xử lý khi cần thiết.
PV: Công ty có đặt ra tình huống giả định nếu mưa bão gây ảnh hưởng lớn đến lưới điện truyền tải, việc huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị được đơn vị triển khai như thế nào để nhanh chóng khôi phục lưới điện trở lại?
Ông Nguyễn Duy Dũng: Căn cứ vào tình hình dự báo thời tiết hàng năm và thực tiễn vận hành, hàng năm PTC2 đều lập các phương án PCTT&TKCN. Các vật tư, phụ kiện lưới điện, thiết bị, dụng cụ thi công đều được bố trí, chuẩn bị trên tinh thần sử dụng lực lượng tại chỗ để nhanh chóng xử lý khắc phục, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện.
Ngoài ra, PTC2 còn chuẩn bị nhiều tình huống giả thiết có thiệt hại lớn trong mưa bão, lúc này việc thông tin, điều động lực lượng, dụng cụ thiết bị thi công để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai từ các đơn vị trong công ty là rất cần thiết. Bộ thiết bị dựng cột dự phòng khẩn cấp (KEMA) của PTC2 luôn được bảo dưỡng, chuẩn bị ở trạng thái tốt, sẵn sàng sử dụng khi có yêu cầu.
Ngoài ra, công ty ký quy chế phối hợp với các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung để trong trường hợp cần thiết sẵn sàng huy động nhân lực, vật tư, thiết bị, phương tiện nhằm mục tiêu khôi phục lưới điện truyền tải nhanh nhất.
PTC2 đã hoàn thành che chắn thiết bị trong trạm biến áp
|
PV: Đơn vị đã có những ứng dụng khoa học công nghệ gì trong công tác phòng chống thiên tai? Những ứng dụng này đã mang lại hiệu quả gì?
Ông Nguyễn Duy Dũng: Hiện nay PTC2 đang ứng dụng một số công nghệ phục vụ sản xuất để phòng chống thiên tai như: Hệ thống quan trắc sét, nhằm phân tích các sự cố trên đường dây; phân tích đánh giá khả năng bảo vệ chống sét của các thiết bị chống sét lắp trên lưới điện; thu thập thông tin về sét để phục vụ công tác thiết kế trong đầu tư xây dựng; cảnh báo sớm các khu vực có khả năng mất an toàn do sét để điều hành sản xuất.
Hệ thống camera có AI lắp trên các đỉnh cột đường dây tại các vị trí xung yếu nhận diện cháy rừng, phương tiện có nguy cơ xâm phạm hành lang, móng cột đưa ra cảnh báo tự động bằng tin nhắn đến người quản lý vận hành, giúp đánh giá và xử lý tình huống nguy cơ gần khu vực hành lang đường dây.
Sử dụng UAV để kiểm tra trước lúc mưa bão và sau mưa bão các tuyến đường dây tại các khu vực bị chia cắt không thể tiếp cận được do mưa bão, lũ lụt. Việc này giúp đánh giá được tình hình toàn bộ lưới điện và chủ động thực hiện các công tác xử lý khi có tình huống nguy hiểm.
Hệ thống phần mềm quản lý đường dây, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo điều kiện cập nhật theo dõi đầy đủ thông tin quản lý, tình hình thiết bị, sự cố...
Có thể nói, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành nói chung và phòng chống thiên tai nói riêng luôn được PTC2 đặc biệt quan tâm nghiên cứu, ứng dụng thời gian qua.
Công ty Truyền tải điện 2 quản lý vận hành lưới điện truyền tải:
- Các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum;
- Chiều dài đường dây 500kV: 3.418 km;
- Chiều dài đường dây 220kV: 2.094 km;
- Tổng số trạm biến áp 500kV: 4 trạm, dung lượng 3.000MVA;
- Tổng số trạm biến áp 220kV: 15 trạm, dung lượng 5.500MVA.
|
Ngân Hà
Share