Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch thăm và làm việc tại Nhà máy thép NatSteelVina

Ngày 18/6, đoàn công tác gồm Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch, Cục Năng lượng Đan Mạch đã có buổi làm việc và tham quan Nhà máy thép NatSteelVina (Thái Nguyên). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (DEPP3).

Theo thiết kế Hợp phần 3 của Chương trình DEPP3, nhiều doanh nghiệp sẽ có cơ hội tham gia Chương trình Thỏa thuận tự nguyện thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp (VAS). Theo đó, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện kiểm toán năng lượng và các nghiên cứu kinh tế - kỹ thuật sâu hơn để đánh giá các cơ hội, thách thức và giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng.

Nhà máy thép NatSteelVina là một trong những doanh nghiệp tiên phong tham gia Chương trình VAS. Buổi làm việc và thăm quan nhằm tìm hiểu thực tế về tiến độ dự án và kết quả hợp tác giữa hai bên.

Tại buổi làm việc, doanh nghiệp đã trình bày về các phát hiện từ báo cáo sàng lọc, báo cáo kinh tế - kỹ thuật chuyên sâu do tư vấn Đan Mạch và Việt Nam thực hiện để xác định các cơ hội triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng.

Quang cảnh buổi làm việc. Nguồn ảnh: DEPP3

Ông Kristoffer Böttzauw, Cục trưởng Cục năng lượng Đan Mạch bày tỏ sự hài lòng về kết quả và tiến độ dự án. Ông cho biết rất ấn tượng về các phát hiện của các chuyên gia. Điều này cho thấy tiết kiệm năng lượng không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật, mà còn rất khả thi về mặt kinh tế. Những hoạt động hợp tác đang thực hiện ở NatSteelVina có thể là nguồn cảm hứng để các doanh nghiệp khác tại Việt Nam thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu hơn và tiến tới đầu tư cho hiệu quả năng lượng, thúc đẩy nền kinh tế xanh.

Trong giai đoạn trước, doanh nghiệp đã được Chương trình DEPP3 hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện đánh giá các tiềm năng tiết kiệm năng lượng đối với các công đoạn sản xuất có cơ hội triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng. Nâng cao hiệu suất lò nung RHF là một giải pháp được đánh giá cao về tính khả thi về mặt kinh tế và kỹ thuật.

Được biết, lò nung RHF tại doanh nghiệp sử dụng hệ thống điều khiển lỗi thời, chưa được tối ưu hóa gây lãng phí nhiều năng lượng. Qua đánh giá sơ bộ, đơn vị tư vấn của Chương trình đã đề xuất giải pháp nâng cấp hệ thống điều khiển lò RHF nhằm tối ưu hóa quá trình đốt. Điều này không những cải thiện hiệu suất lò, giảm thiểu khí thải mà còn đem lại lợi ích nằm ngoài mục tiêu ban đầu là giảm hình thành vảy oxit trên phôi thép.

Tính toán sơ bộ cho thấy, việc cải thiện lò nung sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm, thông qua giảm lượng dầu FO tiêu thụ và giảm hao mòn nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ giảm khoảng 440 tấn phát thải CO2/năm. 

Từ kết quả khả quan của nghiên cứu ban đầu, doanh nghiệp đề nghị Chương trình tiếp tục hỗ trợ thực hiện nghiên cứu kinh tế-kỹ thuật chuyên sâu để đánh giá các cơ hội, thách thức, rủi ro... của giải pháp. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc NatSteelVina cho biết, trong nhiều năm qua, NatSteelVina không ngừng nỗ lực cải tiến dây chuyền công nghệ, áp dụng sáng kiến nhằm giảm tiêu hao năng lượng và chi phí sản xuất, hướng tới sản xuất thép xanh và bảo vệ môi trường. Các hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình DEPP3 là rất kịp thời và đem lại nhiều lợi ích thiết thực.

Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã tham quan các dây chuyền sản xuất chính và trao đổi thêm về các cơ hội nâng cao hiệu quả năng lượng, giảm phát thải của nhà máy.