Đà Nẵng: Đầu tư từ 50 triệu đồng, hộ gia đình đã có năng lượng điện bền vững

Hộ gia đình nhỏ tại TP. Đà Nẵng chỉ cần đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) từ 1,5 - 8 kWp, với chi phí khoảng 20 - 25 triệu/kWp đã có đủ nguồn điện phục vụ sinh hoạt. Việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN vừa đảm bảo nguồn điện được sử dụng bền vững, vừa bảo vệ môi trường.

Đà Nẵng khuyến khích người dân lắp đặt và sử dụng điện mặt trời mái nhà

Đầu tư bao nhiêu và theo dõi sản lượng điện như thế nào?

Hướng đến hình ảnh là thành phố môi trường, chính quyền TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều kế hoạch để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng năng lượng bền vững, thân thiện với môi trường, trong đó có lắp đặt và sử dụng ĐMTMN. Mặc dù được khuyến khích phát triển nhưng hiện nay số lượng khách hàng lắp đặt ĐMTMN tại Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung còn khá hạn chế. Lý do chủ yếu là do khách hàng chưa thực sự hiểu rõ về loại hình năng lượng này cũng như chưa muốn bỏ ra một khoản đầu tư để lắp đặt hệ thống ĐMTMN.

Theo tính toán của ngành Điện, chi phí lắp đặt hệ thống ĐMTMN sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng là hộ gia đình hay doanh nghiệp. Đối với hộ gia đình nhỏ hoặc doanh nghiệp nhỏ thì chỉ cần đầu tư hệ thống điện năng lượng từ 1,5 - 8 kWp (trung bình mỗi 1 kWp tạo ra được 4,89 kWh/ngày), với mức đầu tư 20 - 25 triệu đồng/kWp (thiết bị từ các hãng có uy tín) là đã có nguồn năng lượng để sử dụng. Nghĩa là một hộ gia đình nhỏ thì chỉ cần đầu tư từ 30 - 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống ĐMTMN.

Lắp đặt hệ thống ĐMTMN được gần 2 năm, bà Nguyễn Thị Kim Liên (đường Điện Biên Phủ, TP Đà Nẵng) cho biết, chi phí ban đầu bỏ ra vào khoảng 200 triệu đồng (công suất 8 kWp). “Tôi lắp đặt để phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty. Mặc dù khi sử dụng chưa thực sự đạt hiệu quả như kỳ vọng, nhưng cũng giảm đáng kể hóa đơn tiền điện. Thay vì mỗi tháng tôi trả hơn 2 triệu đồng thì giờ chỉ phải trả khoảng 1 - 1,5 triệu đồng tùy theo tháng (theo mùa nắng hay mùa mưa)”, bà Liên chia sẻ và cho biết thêm, việc lắp đặt ĐMTMN góp phần giảm nóng cho phần mái nhà, giảm điện năng sử dụng máy lạnh cho tầng áp mái, và quan trọng hơn đây là năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. “Tôi cho rằng sử dụng ĐMTMN cũng là một cách là bảo vệ môi trường thiết thực, bền vững”, bà Liên nói.

Theo ông Trần Nguyễn Bảo An - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), doanh nghiệp lắp đặt ĐMTMN sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng CO2 trên đầu sản phẩm tạo ra để hỗ trợ các tiêu chuẩn xuất khẩu (cho xưởng sản xuất), tạo hình ảnh du lịch sinh thái, tăng lượng khách du lịch (resort, khách sạn, vườn bảo tồn,…).

Để thuận tiện cho khách hàng trong việc kiểm soát chỉ số điện tiêu thụ hàng ngày cũng như đánh giá hiệu quả điện mặt trời, PC Đà Nẵng đã xây dựng công cụ tra cứu thông tin sử dụng điện hàng ngày tại địa chỉ https://pcdn.cpc.vn/tracuu. Khách hàng hoàn toàn có thể theo dõi, kiểm tra sản lượng điện mặt trời phát lên lưới điện hàng ngày và biết được số tiền ngành Điện sẽ thanh toán cho phần sản lượng điện đã phát lên lưới. Toàn bộ phương thức chốt chỉ số, thanh toán đều được công ty thực hiện công khai, minh bạch.

Thanh toán hơn 7 tỷ đồng tiền mua lại điện của các hộ gia đình, doanh nghiệp

Kết quả dự án đánh giá tiềm năng ĐMTMN tại TP. Đà Nẵng do Sở Công Thương thành phố phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và đơn vị tư vấn Effigis cho thấy, tổng công suất điện mặt trời trên toàn Đà Nẵng ước tính là 1.140 MW (trong đó 18% tiềm năng đến từ các tòa nhà công cộng, 30% đến từ các tòa nhà công nghiệp và 52% đến từ các tòa nhà dân cư).

“Việc đầu tư ĐMTMN mang lại những lợi ích thiết thực như: giảm đáng kể chi phí tiền điện hàng tháng, sản lượng điện mặt trời dư phát ngược lên lưới được bán lại cho ngành Điện. Ước tính thời gian thu hồi vốn của dự án điện mặt trời mái nhà trung bình từ 4 - 5 năm”, ông An cho hay.

Tính đến hết tháng 4/2020, TP. Đà Nẵng có 1.146 khách hàng lắp đặt ĐMTMN, tổng công suất lắp đặt 10.363 kWp, tổng sản lượng phát ngược lên lưới là hơn 1,7 triệu kWh. Trong đó, có 17 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN có công suất lớn từ 50 kWp trở lên, với tổng công suất hơn 3.000 kWp. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có thêm 7 khách hàng lắp đặt, nâng công suất tổng của đối tượng này lên gần 5.000 kWp.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, có 161 khách hàng lắp đặt mới, công suất lắp đặt 3.366 kWp, với sản lượng phát ngược lên lưới là hơn 200 nghìn kWh. Đến nay, PC Đà Nẵng đã và đang thanh toán hơn 7 tỷ đồng tiền điện mặt trời mua lại từ ĐMTMN của các hộ gia đình, doanh nghiệp.

Để khuyến khích khách hàng sử dụng ĐMTMN, ngành Điện đã ban hành cơ chế chung. Theo đó, khách hàng sẽ được lắp đặt miễn phí công tơ 2 chiều, cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt nếu hệ thống pin mặt trời đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đấu nối lưới điện hiện hữu theo quy định.

Để nhân rộng mô hình ĐMTMN, PC Đà Nẵng đã hỗ trợ khách hàng thông tin đầy đủ về loại hình năng lượng này như công nghệ và kỹ thuật của quang điện, nguyên lý hoạt động hệ thống mặt trời mái nhà nối lưới, lợi ích khi đầu tư, thời gian thu hồi vốn.... để khách hàng nắm rõ trước khi quyết định đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ khách hàng kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ lắp đặt ĐMTMN uy tín. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, tư vấn, khuyến cáo các khách hàng đã lắp pin mặt trời mái nhà nhưng chưa đăng ký thỏa thuận đấu nối, chưa thỏa thuận lắp công tơ 2 chiều, nhằm hạn chế nguy cơ mất an toàn khi tự ý hòa lưới, đồng thời nếu vẫn lắp công tơ 1 chiều thì khách hàng sẽ bị cộng thêm sản lượng tiêu thụ bằng sản lượng phát ngược lên lưới...

Link bài gốc


  • 08/05/2020 01:42
  • Nguồn: congthuong.vn
  • 57039