Đà Nẵng hướng tới mục tiêu “thành phố không phát thải”

Ngày 21/2, Sở Công Thương Đà Nẵng phối hợp với Sở TN&MT và Dự án hỗ trợ kỹ thuật An ninh năng lượng đô thị Việt Nam do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ tổ chức hội thảo khởi động hoạt động xây dựng lộ trình phát thải ròng carbon cho TP Đà Nẵng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết, dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam (VUES) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ được UBND TP Đà Nẵng và USAID thống nhất triển khai tại TP Đà Nẵng.

Trong khuôn khổ kế hoạch năm 2023 của dự án, Sở Công Thương chủ trì cùng Sở TN&MT phối hợp với VUES triển khai xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện phát thải ròng carbon vào năm 2050 để có thể đóng góp vào ‟Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam đến năm 2050”, xây dựng được lộ trình thực hiện phát thải và dự báo về phát thải carbon trong tương lai.

Tại hội thảo, Ban tổ chức đã thông tin, đề xuất kế hoạch, lộ trình thực hiện phát thải ròng carbon vào năm 2050 cho TP Đà Nẵng; giới thiệu phương pháp tiếp cận và kinh nghiệm quốc tế xây dựng chiến lược và hoạt động hướng tới mục tiêu “thành phố không phát thải”. Đồng thời đề xuất một số chính sách, kế hoạch hành động của TP Đà Nẵng liên quan đến biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Thị Thúy Mai nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động cho Đà Nẵng hướng tới mục tiêu "Thành phố không phát thải" (Net Zero City)

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Dự án VUES cho hay, trong năm 2023 sẽ tập trung vào 3 hợp phần chính: Hỗ trợ Sở Công Thương Đà Nẵng và các cơ quan liên quan tăng cường khả năng hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng năng lượng tái tạo và các biện pháp tiết kiệm năng lượng tại địa phương; làm việc với các đối tác ở khu vực nhà nước và tư nhân để huy động nguồn lực đầu tư công và tư cho triển khai các hệ thống năng lượng phân tán tiên tiến; hỗ trợ việc trình diễn, thương mại hóa và nhân rộng các công nghệ sáng tạo, thực hành, mô hình kinh doanh và mô hình tài chính đổi mới cho các giải pháp năng lượng đô thị phân tán tiên tiến.

Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, Net Zero hay phát thải ròng bằng 0 là cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống càng gần về bằng 0 càng sớm càng tốt. Lượng khí thải còn lại cũng phải được hấp thụ lại vào bầu khí quyển thông qua đại dương và rừng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã đưa ra các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu “Phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2050”. Thực hiện hóa các cam kết này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Link gốc


  • 21/02/2023 02:37
  • Theo doanhnghiepvn.vn
  • 3800