Thủy điện thiếu nước, sẽ huy động cao nguồn nhiệt điện dầu
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2019, hầu như không xuất hiện lũ trên các hệ thống sông ở miền Bắc và Bắc miền Trung, lưu lượng nước về nhiều hồ thuỷ điện thấp hơn TBNN, dẫn đến nhiều hồ thủy điện có mực nước rất thấp so với mực nước dâng bình thường (MNDBT).
Cụ thể, tính đến cuối tháng 2/2020, các hồ thuỷ điện trên lưu vực sông Đà chỉ còn chưa đến 50% dung tích hữu ích. Các hồ Thủy điện Sơn La, Hòa Bình có mực nước thấp hơn gần 20m so với mực nước dâng bình thường (MNDBT). Một số hồ thủy điện lớn ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam cũng đều thấp hơn nhiều so với MNDBT.
Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang
|
Ngoài nhiệm vụ phát điện, các hồ thủy điện còn phải cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn tại nhiều địa phương. Ngay trong tháng 01-02/2020, các hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng đã xả 2,7 tỷ m3 nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp điện vào các tháng cao điểm mùa khô năm 2020.
Ông Nguyễn Anh Tuấn còn cho biết thêm, năm 2020, các nguồn nhiệt điện than, thủy điện và nhiệt điện khí vẫn giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, để đảm bảo cung cấp đủ điện, dự kiến sẽ phải huy động khoảng 3,4 tỷ kWh từ nguồn điện dầu giá cao. Riêng mùa khô năm 2020 (tập trung vào các tháng 3,4,5,6) sẽ phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu do tình hình thủy văn không thuận lợi và các nhà máy thủy điện lớn (Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà) phải phục vụ đổ ải trong tháng 01-02/2020, nên sẽ không có khả năng huy động cao trong các tháng cao điểm mùa khô.
“Lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm, nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
EVN giữ vai trò chủ đạo, nhưng…
Theo Bộ Công Thương, để đảm bảo cung cấp điện năm 2020, không thể dồn hết trách nhiệm lên vai Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Vì vậy, Bộ Công Thương cũng đã giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các tập đoàn, tổng công ty khác. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải đẩy nhanh tiến độ đưa vào khai thác các mỏ khí mới, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ khí cho sản xuất điện. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc cần tăng cường năng lực sản xuất than, cân đối lại các nguồn than hiện có, ưu tiên cung cấp than cho sản xuất điện. Các đơn vị sản xuất than cần chủ động lập kế hoạch sản xuất, ưu tiên cung cấp than đầy đủ, liên tục, đảm bảo khối lượng, chất lượng, chủng loại than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng hợp đồng đã ký.
Năm 2020, Bộ Công Thương, EVN sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện tới các hộ dân, doanh nghiệp
|
Bộ Công Thương cũng đã giao các đơn vị phát điện phải thường xuyên kiểm tra, củng cố, bảo dưỡng các thiết bị, nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện; chủ động xây dựng kế hoạch cung cấp đủ nhiên liệu (than, khí, dầu) đáp ứng nhu cầu phát điện cho các nhà máy điện.
Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, các đơn vị quản lý lưới điện truyền tải, phân phối phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát tình trạng thiết bị trên lưới điện truyền tải và phân phối, khắc phục kịp thời các sự cố của thiết bị đang vận hành, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia. Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN và các đơn vị liên quan, phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm, đặc biệt là các công trình truyền tải điện cho miền Nam, giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió và mặt trời) và các nguồn thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc như đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, TBA 220kV Bảo Thắng..., góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Bộ Công Thương sẽ thường xuyên thực hiện giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ được giao, đảm bảo cung cấp điện an toàn, chất lượng năm 2020 và tạo tiền đề cho các năm tiếp theo.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết: “Đối với công tác quản lý nhu cầu điện và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN, các Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực đẩy mạnh thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả nhằm giảm nhu cầu phụ tải điện vào giờ cao điểm, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy cho hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện khu vực. Về phía Bộ Công Thương, trong năm 2020, sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị thay thế Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện trong phạm vi cả nước”.