Đảng viên Chi bộ Phương thức – Công nghệ tiên phong trong ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia

Chuyển đổi số đã trở thành khái niệm quen thuộc đối với nhiều đơn vị và doanh nghiệp. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. Khi đại dịch Covid ập tới, chuyển đổi số là nhu cầu, là giải pháp sinh tồn để duy trì và phát triển của doanh nghiệp.

Đối với các cơ quan nhà nước, trải qua đại dịch, các khái niệm về IoT, remote working... mới được biết tới rộng rãi. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính, trong Phiên họp thứ Ba ngày 08/8/2022 của Ủy ban, đã phát biểu và định hướng “chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc”, Qua đó, có thể thấy Chuyển đổi số là phương thức quan trọng để thực hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong những thập niên tới.

Đảng và Nhà nước đã và đang đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết là: “Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội”[1].

Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc “thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội”[2], “Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia. Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất. Hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và doanh nghiệp. Đầu tư trang bị các hệ thống thiết bị thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ dữ liệu công”[3].

Trong các văn kiện của Đại hội XIII (Báo cáo chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025), có tới 21 lần Đảng nhấn mạnh cụm từ “chuyển đổi số”.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người là tấm gương mẫu mực về đạo đức và nhân cách người đảng viên cộng sản, luôn tiên phong, gương mẫu trong lời nói, việc làm, hành động; những điều đó đã kết tinh thành những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên là sự “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”[4].

Tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên phải được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trước kỷ nguyên của nền công nghệ hiện đại, của lối tư duy khác biệt, hơn bao giờ hết mỗi đảng viên cần “chuyển đổi” đúng cách để phù hợp với thời đại, dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với khó khăn, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng đất nước phát triển ngày một vững mạnh hơn.

 Trong những năm qua, các Đảng viên trong Chi bộ Phương thúc – Công nghệ đã luôn thể hiện rõ sự gương mẫu và luôn đi tiên phong trong việc áp dụng CNTT để nâng cao chất lượng công việc. Từ các Đảng viên là lãnh đạo Trung tâm, phòng ban, luôn đưa ra các đường lối và hỗ trợ cho các CBCNV khác khi có ý tưởng mới; đến các Đảng viên là các kỹ sư trong phòng, luôn tìm tòi học hỏi, tiếp cận các công nghệ mới, ứng dụng vào thực tế công việc.

Hệ thống điện Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, từ tổng công suất 55.9 GW với 218 nhà máy (thuộc quyền điều khiển của Điều độ Quốc gia) năm 2019, đến đầu năm 2022, toàn bộ hệ thống điện đã có 328 nhà máy (thuộc quyền điều khiển của Điều độ Quốc gia) với tổng công suất 78.1 GW. Các đảng viên trong Chi bộ đã chủ động tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo; chủ động tìm hiểu các công nghệ mới phục vụ công tác lập kế hoạch, sử dụng các công cụ hiện đại, tiên tiến trên thế giới để theo kịp với tốc độ phát triển về quy mô của Hệ thống điện như Plexos, E7, PSS®E, PSS®SINCAL, EMTP-RV, ASPEN OneLiner, DIGSI, ACSELERATOR,... Ngoài các ứng dụng về chuyên môn, còn có các hệ thống phần mềm đóng vai trò là hạ tầng cho các hoạt động của Cơ quan. Có thể kể đến hệ thống SCADA-EMS, đây là “tai mắt” của Điều độ viên trong vận hành Hệ thống điện; hệ thống SCADA là thành phần không thể thiếu của Điều độ viên khi vận hành. Tỷ lệ kết nối SCADA của các trạm vả nhà máy luôn đạt trên 95%, vận hành tin cậy và ổn định. Và còn hệ thống Quản lý mệnh lệnh điều độ điện tử DIM (Dispatch Instruction Management), hệ thống CNTT đã thay đổi hoàn toàn cách thức ra lệnh của Điều độ viên, từ việc vận hành một số nhà máy qua hotline, dựa trên nhu cầu phụ tải thực tế, đã chuyển qua lập lịch và ra lệnh tự động, cùng lúc nhiều nhà máy dựa theo giá thị trường. Nói tới thị trường, không thể không nhắc tới hệ thống giải pháp CNTT cho Thị trường điện, góp phần then chốt trong việc vận hành thị trường điện minh bạch, ổn định từ 2011 cho tới nay.

Các hệ thống phần mềm là giao diện với người sử dụng, nhưng phần mềm sẽ không thể hoạt động được nếu không có hệ thống Cơ sở dữ liệu. Ý thức được tầm quan trọng của dữ liệu, Chi bộ A01 nói riêng và Đảng bộ Cơ quan nói chung, đã định hướng và chỉ đạo xây dựng bộ Cơ sở dữ liệu dùng trong chung Cơ quan. Đến nay, dữ liệu vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện được lưu trữ đầy đủ, cung cấp đầu vào quan trọng cho các hệ thống phân tích, báo cáo, học máy... sau này. Và cuối cùng, trong thời đại công nghệ 4.0; khi tất cả đều nói về Chuyển đổi số, khi IoT được nhắc tới như một điều tất yếu, vấn đề an ninh CNTT là vấn đề cần đặt lên hàng đầu. Một hệ thống dù có hiện đại đến đâu, nếu không đảm bảo được an ninh bảo mật, dữ liệu không được bảo vệ, thông tin người dùng, thông tin vận hành dễ dàng bị rò rỉ hoặc đánh cắp thì cũng sẽ bị đào thải. Chi bộ A01 ý thức rất rõ việc đó, trong những năm qua, Chi bộ đã chỉ đạo các đảng viên, phối hợp với các cán bộ trong cơ quan xây dựng, ban hành các quy trình, siết chắt an ninh bảo mật, trang bị các hệ thống phòng chống tấn công mạng tiên tiến, để đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống.

Dưới sự tiên phong, gương mẫu của tập thể lãnh đạo, cùng với sự chỉ đạo sâu sát của Chi bộ, toàn thể CBCNV đã đoàn kết và cố gắng, đưa trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia thành một trong những đơn vị ứng dụng CNTT xuất sắc trong Tập đoàn, góp phần chung vào việc xây dựng một tập thể vững mạnh, hiện đại trong Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia./.

Tài liệu tham khảo

[1][2][3] Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, truy cập ngày 22-6-2022;

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 50;


  • 23/09/2022 08:31
  • Chi bộ A01 - TRUNG TÂM ĐIỀU ĐỘ HTĐ QUỐC GIA
  • 586


Các Tin khác