Đánh giá về việc hỗ trợ giảm giá điện của EVN

16:14, 16/04/2020

Giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ khoa học Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đã trao đổi với chúng tôi về gói hỗ trợ giảm giá điện đối với người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. 
GS.VS.TSKH Trần Đình Long

PV: Ông đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ giảm giá điện với tổng trị giá gần 11.000 tỷ đồng dành cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19?

GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Việc hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới và đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp tham gia. 

Chung tay cùng cả nước, ngành Điện cũng không đứng ngoài cuộc. Việc Bộ Công Thương, EVN chủ động đề xuất Chính phủ giảm giá điện, tiền điện cho người dân, doanh nghiệp là rất đáng hoan nghênh. 

Do thực hiện giãn cách xã hội, người dân phải ở nhà nhiều hơn, vừa làm việc online, nhu cầu dùng điện cho sinh hoạt thường ngày cũng tăng lên, khiến tiền điện cũng sẽ tăng lên đáng kể. Do đó, trong gói hỗ trợ này, 100% hộ dân sử dụng điện sinh hoạt sẽ được giảm 10% tiền điện từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh) là rất tích cực, phần nào giúp các gia đình vượt qua khó khăn. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; các cơ sở cách ly, khám, chữa bệnh COVID-19… cũng được miễn, giảm giá điện theo tỉ lệ nhất định.

PV: Có ý kiến cho rằng, giảm 10% giá điện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất là còn ít. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? 

GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Với tâm lý người tiêu dùng, giảm giá bao nhiêu thì cũng khó cảm thấy là đủ. Dù vậy, chúng ta cần tìm hiểu để có một cái nhìn công bằng, khách quan rằng, chính ngành Điện cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: Nguồn điện toàn hệ thống không còn dự phòng; tình hình nước về các hồ thủy điện kém, khiến nguồn điện có giá thành rẻ này đang thiếu hụt, dẫn tới phải bù đắp bởi nhiệt điện than, nhiệt điện dầu, là những nguồn điện có giá thành sản xuất cao hơn,… 

Trong bối cảnh như vậy, mức giảm 10% là tương đối lớn trong khả năng của EVN. Do vậy, tôi thấy rất đáng hoan nghênh.

PV: Việc giảm giá điện sẽ gia tăng áp lực lên EVN trong đảm bảo cân đối tài chính. Theo ông, EVN cần phải làm gì để đảm bảo sản suất – kinh doanh hiệu quả?

GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Có rất nhiều việc mà EVN phải làm để vượt qua những khó khăn trong năm 2020 cũng như giai đoạn 2021-2025. 

Bên cạnh việc tiết giảm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động,… EVN cần phải quản lý tốt nhu cầu phụ tải khi nguồn điện không còn dự phòng và đang đối diện với nguy cơ thiếu điện (đã được cảnh báo từ cách đây 1-2 năm. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; chương trình điều chỉnh phụ tải điện. 

Năm 2019, tôi được biết Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức chương trình Điều chỉnh phụ tải ở một số tỉnh/thành phố phía Bắc có nhu cầu sử dụng điện lớn. Đây là hoạt động cần được phát huy bởi sẽ góp phần mang lại hiệu quả tốt cho việc cân đối cung cầu của hệ thống điện. 

PV: Thời gian qua, EVN đã chủ động đẩy mạnh dịch vụ điện trực tuyến và khuyến khích khách hàng sử dụng để giảm thiểu những nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Cũng là một khách hàng sử dụng điện, ông đánh giá như thế nào về động thái này?

GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Phải nói rằng, EVN đã rất chủ động, kịp thời trong việc tuyên truyền, đẩy mạnh dịch vụ điện trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Khách hàng không cần ra khỏi nhà, vừa tránh lây nhiễm dịch bệnh mà vẫn thực hiện được các dịch vụ điện mình cần.

Giao dịch trực tuyến là xu thế của xã hội hiện đại. Chính vì vậy, tôi cho rằng, không chỉ khi có dịch COVID-19 mà thời gian tới, việc triển khai dịch vụ điện trực tuyến nói riêng, các dịch vụ trực tuyến khác nói chung nên tiếp tục được đẩy mạnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 


Thùy Lê (thực hiện)

Share