Dấu ấn DHD trên những công trình thủy điện

Với hơn 50 năm kinh nghiệm cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) đã trở thành địa chỉ tin cậy, đào tạo nguồn nhân lực vận hành, sửa chữa thiết bị tại các nhà máy thủy điện từ miền Trung - Tây Nguyên đến miền Nam.

Điểm sáng về đào tạo

Từ năm 2005, Công ty DHD đã tiến hành đào tạo lực lượng vận hành, sửa chữa thiết bị cho Ban Chuẩn bị sản xuất các nhà máy thủy điện trên sông Vu Gia - Thu Bồn; đào tạo các chức danh chủ yếu như trưởng ca vận hành, điều hành viên và công nhân sửa chữa cho Nhà máy Thủy điện Bắc Bình, Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 – 4, đào tạo lực lượng vận hành TBA 110/6,3 kV cho Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng… 

Đến cuối năm 2016, DHD đã đào tạo được hơn 600 học viên là trưởng ca, kỹ sư vận hành, sửa chữa, cán bộ quản lý… thuộc các nhà máy thủy điện từ miền Trung – Tây Nguyên đến miền Nam.

Ông Đỗ Minh Lộc – Phó Tổng giám đốc DHD cho biết, mặc dù mỗi nhà máy thủy điện có thời gian và lưu lượng nước về hồ chứa khác nhau, nhưng việc vận hành thiết bị và điều tiết nước phù hợp với từng thời điểm lại khá tương đồng. Với kinh nghiệm hơn 50 năm quản lý vận hành, sửa chữa thiết bị thủy điện, DHD đã phát huy thế mạnh của mình, tích cực tham gia đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý vận hành và công nhân kĩ thuật cho các nhà máy thủy điện. 

Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, Công ty cũng gặp khó khăn do kiến thức, kinh nghiệm thực tế của các học viên còn ít, phần lớn là sinh viên mới ra trường. Thời gian đào tạo không dài, đòi hỏi các học viên phải nhanh chóng nắm bắt được kiến thức cơ bản về công nghệ, thiết bị hiện đại tại các nhà máy thủy điện.

DHD đào tạo lực lượng vận hành cho các nhà máy thủy điện khu vực miền Trung

Vì vậy, DHD đã chủ động nghiên cứu và xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp theo yêu cầu thực tế của từng đối tác. Theo đó, Công ty phân công cụ thể các giảng viên là cán bộ quản lý, kỹ sư của DHD đi nghiên cứu thực tế tại nhà máy của đơn vị và biên soạn các quy trình vận hành thiết bị và công nghệ phù hợp với từng nhà máy, đảm bảo vận hành các nhà máy thủy điện an toàn, hiệu quả.

DHD còn tổ chức các khóa đào tạo lý thuyết kết hợp với thực tế vận hành, sửa chữa. Nội dung đào tạo được xây dựng theo từng chuyên đề, sau đó tổ chức thảo luận, giúp các học viên nắm vững kiến thức vận hành thiết bị trong nhà máy thủy điện. Học viên còn được trực tiếp tham gia viết quy trình và tổ chức vận hành vào thực tế sản xuất ngay tại nhà máy. Cán bộ, giáo viên của DHD cùng với các cấp điều độ sẽ tiến hành kiểm tra, chấm điểm, nếu đạt yêu cầu, học viên được cấp chứng chỉ vận hành. Sau phần lý thuyết, học viên được tham gia thực tế, đi ca cùng với cán bộ đào tạo của DHD trong thời gian ít nhất là 1 tháng trước khi có thể đi ca độc lập.

“Bí quyết của DHD là luôn đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu, đảm bảo sau mỗi khóa đào tạo, các học viên đều nắm bắt được phương thức quản lý vận hành và sửa chữa các thiết bị trong dây chuyền sản xuất của nhà máy điện”, ông Đỗ Minh Lộc khẳng định.

Tiếp tục mở rộng phạm vi đào tạo

Tham gia đào tạo tại DHD từ tháng 5/2005 – 7/2007, anh Dương Minh Hải - Phó quản đốc Phân xưởng vận hành Nhà máy Thủy điện A Vương cho biết, thời gian đầu, anh và các học viên được đào tạo lý thuyết về công nghệ, thiết bị sau đó tìm hiểu thực tế tại các nhà máy của DHD. “Nếu như giảng đường các trường đại học chỉ trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản, thì khi tham gia đào tạo tại DHD, học viên sẽ được bổ sung và hoàn thiện kiến thức từ thực tế”, anh Hải khẳng định. Đồng thời, công nghệ, thiết bị tại các nhà máy thủy điện của DHD cũng tương tự như tại A Vương. Vì vậy, sau khi kết thúc khóa học, anh Hải cũng như nhiều đồng nghiệp khác đã nhanh chóng bắt tay vào công việc vận hành tại Nhà máy Thủy điện A Vương.

Hiện nay, DHD đang triển khai dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và chuẩn bị các thủ tục để triển khai dự án nhà máy năng lượng mặt trời trên mặt hồ Thủy điện Đa Mi. Để chuẩn bị lực lượng cán bộ quản lý, vận hành cho các nhà máy này, DHD đã phân công cụ thể cho các cán bộ kỹ thuật nghiên cứu nắm vững thiết bị, kịp thời tiếp quản vận hành khi các dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trước mắt, lực lượng vận hành dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim chủ yếu được điều chuyển từ lực lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân các nhà máy Thủy điện Đa Nhim, Hàm Thuận, Đa Mi. Lực lượng trưởng ca đang được đào tạo tại Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Sau khi thiết bị của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mở rộng được lắp đặt, lực lượng này sẽ chuyển sang nghiên cứu thiết bị mới.

Ông Đỗ Minh Lộc cho biết, thời gian tới, trên cơ sở thế mạnh về nhân lực và trình độ kỹ thuật công nghệ, DHD sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và cung cấp các dịch vụ đào tạo đội ngũ công nhân vận hành, sửa chữa, lắp đặt thiết bị, thí nghiệm hiệu chỉnh, tư vấn, giám sát… cho các nhà máy  thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam. Mục tiêu của DHD sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi đào tạo đến các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ khu vực phía Bắc. 

Với tuổi đời, tuổi nghề đã đủ độ chín, đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề, DHD tiếp tục lên đường hướng tới những công trình mới trên mọi miền tổ quốc. Tin rằng, DHD sẽ tiếp tục vươn cao, vươn xa, ghi những dấu ấn đậm nét trong đào tạo lực lượng sửa chữa, vận hành thiết bị trên các công trình thủy điện Việt Nam. 


  • 17/04/2017 11:10
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 8853